TTTĐ – Đó là nhận xét của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Sử trong buổi tọa đàm “Phê bình kí hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ” và giới thiệu cuốn sách cùng tên của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu Lã Nguyên (La Khắc Hòa) diễn ra chiều 24/9 tại Hà Nội.
Cụ thể, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Sử đánh giá cao cuốn sách này và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lã Nguyên đã chọn cho mình một con đường đúng đắn trong bối cảnh có nhiều hướng phê bình văn học như hiện nay. Là “một người nghiên cứu văn học cho đến già” như tự nhận, Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng phê bình kiểu này khó lắm. Vì nhà phê bình sẽ không đánh giá xu hướng, trào lưu văn học mà đánh giá khả năng nghệ thuật của tác phẩm ấy như thế nào. Nghĩa là lối phê bình này không theo quy phạm có sẵn mà đánh giá khả năng biểu đạt của ngôn ngữ ấy sau khi được tái thiết.
Từ đó ông nhấn mạnh, để làm được phê bình kí hiệu học nhà phê bình không thể nghiệp dư mà đòi hỏi phải chuyên nghiệp, chuyên sâu. Nếu thiếu năng lực, thiếu độ nhạy bén thì không thể làm được. Hay nói cách khác, phê bình kí hiệu học đã sáng tạo cùng với tác giả. Tác giả cứ đi trước, phê bình chầm chậm đi sau chứ không ăn theo. Đây gọi là phê bình sáng tạo vì thế độ khó càng nhân lên.
Chính bởi vậy, Giáo sư Trần Đình Sử chào mừng sự xuất hiện của cuốn sách trong đời sống văn học nước nhà.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cũng khẳng định, anh rất cảm ơn và nhận được nhiều gợi ý từ phê bình kí hiệu học của thầy La Khắc Hòa. Lối phê bình này khiến anh gợi nghĩ cùng, nghĩ tiếp và nghĩ khác về tác phẩm.
Trên thế giới, kí hiệu học đã được nghiên cứu như là khoa học về kí hiệu từ đầu thế kỷ XX và sau đó nó phát triển rầm rộ, lan rộng và được vận dụng ở khắp các nước từ Nga qua Mĩ, từ Tây Âu đến Đông Âu. Ở Việt Nam, kí hiệu học được khởi xướng bởi nhà nghiên cứu Phan Ngọc, Hoàng Trinh. Tuy nhiên, mãi những năm gần đây, kí hiệu học mới được dịch và ứng dụng như một lí thuyết bởi các nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, Lã Nguyên…
Với mục đích đưa phê bình kí hiệu học đến gần và “dễ hiểu” hơn với độc giả, như một cách tiếp cận mới để tìm ra cái hay, cái đẹp của văn học nghệ thuật, đem đến đời sống tinh thần phong phú cho độc giả, NXB Phụ nữ giới thiệu với bạn đọc cuốn “Phê bình kí hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ” của nhà phê bình Lã Nguyên.
Phê bình kí hiệu học của Lã Nguyên là cuốn sách phát hiện lại lí thuyết trên một chất liệu mới là các tác phẩm văn học Việt Nam. Tác giả hướng đến việc tái cấu trúc các hệ thống ngôn ngữ đặc thù làm nên các loại hình diễn ngôn trong văn học nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử và trong sáng tác của một số nhà văn, nghệ sĩ.
Cuốn sách gồm hai phần: “Tiếng nói thời đại” và “Ngôn ngữ tác giả”. Ở đây ngôn ngữ nghệ thuật của thời đại văn học (Nguyên tắc vẽ tranh, tạc tượng đài và chủ nghĩa hiện thực thị giác trong văn học Việt Nam trước 1975, Diện mạo văn học Việt Nam 1945-1975 nhìn từ góc độ thi pháp thể loại, Nhìn lại các bước đi. Lắng nghe những tiếng nói…) và ngôn ngữ nghệ thuật trong sáng tác cá nhân (Nguyễn Tuân nhà văn của hình dung từ, Thơ Tố Hữu kho “kí ức thể loại” của văn học từ chương, Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn học Việt Nam…) được khảo sát dưới ánh sáng của kí hiệu học diễn ngôn và thi pháp học lịch sử để có thể mô tả chúng trong sự thống nhất với nhau.
Phê bình kí hiệu học, với Lã Nguyên chính là sự phát hiện, kiến tạo kí hiệu, giải mã kí hiệu, phiên dịch kí hiệu, là giải thích ý nghĩa của các kí hiệu. Chẳng hạn, với Tố Hữu, Lã Nguyên chỉ ra bốn nhân vật – kí hiệu xuyên suốt các tác phẩm của ông là: Lãnh tụ anh minh, mẹ vĩ đại, chúng con anh hùng và kẻ thù bầy thú man rợ. Còn với Nguyễn Tuân, Lã Nguyên gọi ông là nhà văn của hình dung từ. Tác giả chỉ ra nội hàm của hình dung từ ấy trong suốt tiến trình viết của Nguyễn Tuân qua các giai đoạn: Hình dung từ về kì nhân, kì sự, kì thú; khi chuyển sang giai đoạn mới, Nguyễn Tuân chuyển sang hình dung từ về kì quan và quái nhân. Lã Nguyên đã làm cho các mã kí hiệu được gọi tên cụ thể, trở thành đặc trưng của từng nhà văn.
Qua cuốn sách, chúng ta thấy rằng, Lã Nguyên trong quá trình phân tích kí hiệu học đối với văn bản đều sử dụng các mã văn hóa, tức là mã liên văn bản đã có trước được thể hiện trong văn bản. Ông không đối lập nhị nguyên cái biểu đạt và cái được biểu đạt mà lưu ý tới kí hiệu học ba thành phần: Tên gọi, nghĩa và ý nghĩa, đây chính là đặt trưng khác biệt của phê bình kí hiệu học Lã Nguyên.
Với lối viết mạch lạc, rõ ràng, cùng những phân tích sắc sảo và thú vị, cuốn sách là tài liệu hữu ích cho những nhà nghiên cứu và bạn đọc yêu văn chương.
Theo thông tin từ NXB Phụ nữ, ngay từ khi cuốn sách được xuất bản đã có rất nhiều người đặt mua sách qua mạng từ nhiều miền trên đất nước. Không biết họ có phải là sinh viên, giáo viên chuyên ngành lí luận phê bình văn học không nhưng đó cũng là tín hiệu cho thấy mảng phê bình văn học vẫn còn có đất “sống”. Điều đó cũng cho thấy các bài viết của Phó Giáo sư – Tiến sĩ La Khắc Hòa rất được chú ý.
(Theo tuoitrethudo)