Trịnh Hồng Hạnh

Trịnh Hồng Hạnh

Tập tản văn “Có mẹ trong cuộc đời này” mới xuất bản như một món quà mà nhà văn Phong Điệp gửi tặng mẹ, bạn bè và những ngày thơ ấu của mình.

Mặc dù đã có hơn hai mươi đầu sách được xuất bản, song tác phẩm mới nhất Luôn có mẹ trong cuộc đời này mới là tập tản văn thứ hai của Phong Điệp. Ngay trong lời tựa của cuốn sách, chị đã bộc bạch về tản văn như một thể loại “tủi thân”, khi hầu như vắng bóng trong các giải thưởng văn chương nhưng đã và đang xác lập một chỗ đứng nhất định trong đời sống văn học và báo chí.

Nữ nhà văn đã chia sẻ suy nghĩ của mình về thể loại này cũng như tập tản văn mới của chị.

Nha van Phong Diep: 'Toi muon tang cuon sach cho nhung nguoi me' hinh anh 1
Nhà văn Phong Điệp đã xuất bản 21 cuốn sách.

– Theo dõi các sáng tác của Phong Điệp, thấy chị khá dè dặt với thể loại tản văn. Chị có nghĩ rằng thể loại tản văn kén độc giả so với tiểu thuyết hay truyện ngắn?

– Có thể nhìn vào số lượng đầu sách tôi đã xuất bản thì tản văn (hay có người gọi là tạp văn, tạp bút…) chỉ chiếm một số lượng  khiêm tốn nhưng cảm tình tôi dành cho thể loại này lại hết sức nồng nhiệt!

Tôi viết khi nào có điều kiện, và từng giữ mục cho một số báo với thể loại này. Tuy nhiên, khi tập hợp thành sách in thì cần có sự tuyển lựa kỹ lưỡng mới tạo được dấu ấn với độc giả. Tôi thích thể loại này vì nó tích hợp được những ưu thế của văn học và báo chí: người viết được bay bổng cảm xúc trong những câu chữ, được tung tẩy trong đề tài, được phát huy trí tưởng tượng, đồng thời các bài viết còn có khả năng phản ánh kịp thời, nhanh chóng các vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Mỗi người viết xác lập cho mình một phong cách, giọng điệu khác nhau song có điểm chung ở các bài tản văn là sự gần gũi của các vấn đề được đề cập đến, đặc biệt những vấn đề được nhiều người quan tâm giúp tản văn dễ được độc giả tiếp nhận, đồng cảm. Do đó so với tiểu thuyết hay truyện ngắn, tản văn không hề kén độc giả.

Người đọc không cần phải dành quá nhiều thời gian, công sức để đọc các bài tản văn do sự ngắn gọn, cũng như khả năng truyền tải nhanh chóng, kịp thời. Không ít trường hợp độc giả thấy họ dường như được “nói hộ” những băn khoăn, trăn trở về một vấn đề nào đó co thấy sự gần gũi của thể loại này với đời sống.

– Trong vai trò của một nhà văn – nhà báo, chị nghĩ thế nào về sự tác động và chỗ đứng của thể loại tản văn đối với đời sống xã hội đương đại nói chung và văn học nói riêng? 

– Còn nhớ khi tản văn Cụ Rùa thuộc biên chế Bộ nào? của Thảo Hảo (bút danh của nhà văn Phan Thị Vàng Anh) vừa được đăng tải đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả cùng sự tâm đắc trước chia sẻ của tác giả về vấn đề quản lý văn hóa, xã hội cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trước các vấn đề của đời sống bắt đầu từ chuyện con rùa sống ở Hồ Gươm.

Theo dõi đời sống văn học, báo chí, chúng ta có thể bắt gặp nhiều tản văn có sức lan truyền, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng như vậy. Rồi những tập tản văn xuất hiện thời gian gần đây như Ngôi nhà và con người của Huỳnh Như Phương, Yêu người ngóng núi của Nguyễn Ngọc Tư, Cuộc đời vui quá không buồn được của Trần Nhã Thụy, Con giai phố cổ của Nguyễn Việt Hà, Tiêu gì cho thời gian để sống của Hoàng Việt Hằng, 100 gram hạnh phúc của Thụy Anh… thực sự là những cuốn sách đã neo được vào lòng độc giả, đồng thời tiếp tục gợi lên nhiều ngẫm ngợi về đời sống này, để rồi không ít người thấy mình cần sống chậm lại, sống có ích hơn.

Đó là một thành công không thể phủ nhận, đã được xác quyết bởi thể loại tản văn. Không phải là thể loại mới được khai sinh, sự xuất hiện bền bỉ của tản văn trong dòng chảy văn học nhiều năm qua, cùng với đó là sự yêu thích của độc giả với thể loại này đã khẳng định chỗ đứng của tản văn đối với đời sống xã hội đương đại nói chung và văn học nói riêng.

– Theo chị, cái khó nhất khi viết tản văn là gì?

– Là sự cân đối giữa việc chọn thông tin, đưa ra góc nhìn và truyền tải quan điểm, cảm xúc của người viết. Giống như một đầu bếp, khả năng điều tiết, gia giảm các “nguyên liệu” trên như thế nào sẽ quyết định thành công của tác phẩm, cũng như tạo nên sự khác biệt của người viết.

Ví dụ nhiều tác giả viết tản văn về mẹ nhưng bạn thấy đấy, mỗi người sẽ có các khai thác thông tin, đưa ra góc nhìn và gửi gắm những cảm xúc rất khác nhau nên sẽ tạo được những dấu ấn riêng.

Nha van Phong Diep: 'Toi muon tang cuon sach cho nhung nguoi me' hinh anh 2
Sách Có mẹ trong cuộc đời này là tập tản văn mới nhất của Phong Điệp.

– Tập tản văn mới nhất của chị, “Có mẹ trong cuộc đời này” phải chăng như là một món quà chị tặng cho mẹ, tặng làng quê, và cũng tặng cho một thời tuổi thơ, tuổi trẻ đầy khao khát của mình? 

– Cuốn sách như “nhật ký sống” của tôi, của bạn bè tôi về cuộc sống bộn bề này. Tôi được sống thật với cảm xúc của mình trong từng trang sách, ở đó mỗi câu chữ lại nhắc nhớ về những yêu thương, hoài bão của tuổi đôi mươi, những lo toan thường nhật, những trăn trở về đời sống… và trên tất thảy là biết trân trọng cuộc sống này bởi có mẹ đã truyền lửa yêu thương, và ngọn lửa ấy không bao giờ tàn lụi.

Tôi luôn ám ảnh một câu nói đại ý thế này: “phụ nữ thì yếu đuối, nhưng người mẹ thì luôn mạnh mẽ”. Vì sao vậy? Khi làm mẹ thì tôi hiểu. Và bởi vậy tôi muốn tặng cuốn sách cho những người mẹ…

– Những trang viết của chị đầy ắp chất liệu cuộc sống. Điều gì khiến chị sáng tạo nên tác phẩm từ những điều bình dị, chân phương đó?

– Tôi luôn tâm niệm rằng văn học dù theo phong cách, trường phái nào luôn cần cất lên tiếng nói của đời sống này. Cuộc sống là khởi nguồn của mọi sáng tạo. Xa rời những giá trị của cuộc sống, văn chương sẽ như cánh diều bị tuột khỏi sợi dây neo giữ với mặt đất. Độc giả sẽ cảm thấy xa lạ với những điều mà nhà văn viết ra.

– Mạch văn của chị dường như vội vã, tất bật cùng với guồng quay hối hả của đời sống. Chị có nghĩ mình giống ông hoàng thơ tình Xuân Diệu khi luôn khắc khoải “nỗi ám ảnh thời gian”?

– Quả là tôi có nỗi ám ảnh thời gian. Thời gian đã qua đi sẽ không thể trở lại. Những gì đã đánh mất sẽ không thể lấy lại. Vậy thì nên trân trọng mỗi giây phút mà chúng ta đang sống, để biết yêu thương, quý trọng hơn cuộc đời đời này.

Và với tư cách một người làm công việc chữ nghĩa, tôi viết mỗi ngày để khoảng thời gian đã qua không bị mất đi một các uổng phí.

Phong Điệp tên thật là Phạm Thị Phong Điệp, là một nhà văn, nhà báo. Sớm đến với văn chương, kiên trì, bền bỉ theo đuổi nghiệp viết, tới nay Phong Điệp là tác giả của 21 đầu sách bao gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn.

Chị biết đến với những tập truyện ngắn như Khi ta hai mươi, Ma mèo, Người phía bên kia đường, Kẻ dự phần, Phòng trọ… Tập tiểu thuyết Blogger của Phong Điệp đã được dịch sang tiếng Pháp.

(Bích Châu thực hiện)

(Nguồn: Zing.vn)