Xin việc là chuyện nhỏ
Vì sao tôi lại viết cuốn sách này?
Bạn đã tốt nghiệp đại học và có được tấm bằng cho một chuyên ngành mà người ta hứa hẹn sẽ mang lại cho bạn một tương lai xán lạn. Điểm số các môn học của bạn rất cao nhưng thực tế là bạn vẫn chưa xin được việc. Giờ thì bạn nhận được các cuộc hẹn phỏng vấn cho lĩnh vực chuyên môn.
Bạn chuẩn bị CV dựa theo một mẫu nào đó kiếm được trên mạng hoặc dưới sự hướng dẫn của một người bạn. Bạn gửi CV tới tất cả các trang giới thiệu việc làm mà bạn tìm thấy trên Google và qua các mẩu quảng cáo trên báo và các tạp chí địa phương. Nhưng bạn vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào từ những nhà tuyển dụng, kể cả là những nơi bạn cho là tiềm năng nhất.
Cứ hai ba tháng một lần, bằng một phép màu nào đó bạn sẽ nhận được cuộc gọi từ một nhà tuyển dụng mời bạn tới tham dự phỏng vấn.
Lúc đó bạn làm thế nào?
Rất nhiều người thực sự không hiểu cần phải chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn xin việc như thế nào.
Họ tới buổi phỏng vấn với tràn trề hy vọng rằng sẽ thể hiện hết những gì mình biết và thuyết phục nhà tuyển dụng rằng họ xứng đáng được nhận vị trí này, rằng họ có thể thành công nếu được giao phó trọng trách đó.
Vì lý do này, rất nhiều người ăn mặc chỉnh tề và đến buổi phỏng vấn thật sớm. Thế nhưng, khi nhập cuộc họ lại quá hào hứng dẫn tới bị truy vấn bởi những câu hỏi họ không biết cách trả lời và rốt cuộc họ trở nên bấn loạn.
Sau khi kết thúc phỏng vấn, ứng viên thường sẽ trải nghiệm một trong ba cảm xúc dưới đây:
- “Tôi đã phỏng vấn rất tốt, chắc chắn tôi sẽ nhận được công việc đó.”
- “Tôi phỏng vấn cũng tạm ổn, chắc tôi cần cải thiện hơn nữa.”
- “Tôi đã có một cuộc phỏng vấn tồi tệ, tôi sẽ trượt đợt tuyển dụng này mất.”
Tuy nhiên tất cả bọn họ đều không biết rằng những cảm xúc này đều không hợp lý vì một cuộc phỏng vấn nên được nhìn từ một góc độ tương đối.
Một mặt, nếu bạn có cho rằng mình đã phỏng vấn rất thành công thì điều đó cũng không nói lên điều gì bởi vì bạn không biết được những người khác đã làm như thế nào. Chỉ cần một người trong số họ nhỉnh hơn bạn một chút cũng đồng nghĩa với việc bạn bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Mặt khác, nếu cuộc phỏng vấn của bạn không thuận lợi thì cũng chưa có nghĩa là bạn đã thất bại, vì chỉ cần những người khác làm tệ hơn bạn, bạn sẽ lại trở thành một ngôi sao sáng trong mắt nhà tuyển dụng.
Cứ cho là bạn đã phần nào vượt qua vòng phỏng vấn. Bước tiếp theo sẽ là một vài quy trình dưới đây.
Thêm một cuộc phỏng vấn với nhân sự, một cuộc phỏng vấn với phó tổng giám đốc hoặc CEO của công ty, rồi một bài kiểm tra chuyên môn, một bài kiểm tra độ tin cậy. Trải qua mỗi vòng đều có vài đối thủ cạnh tranh với bạn.
Vậy tại sao người ta nên chọn bạn mà không phải ai khác?
Chúng ta sống trong một thế giới đầy cạnh tranh, mỗi công việc đều có hàng trăm hàng nghìn người ứng tuyển. Bởi vậy, bạn cần phải biết làm sao để vượt lên trên những người khác để trở thành “Ngàn người có một” và được tuyển chọn.
Như bạn đã biết, ngày nay thị trường việc làm vận hành theo phương thức mà người tìm việc hầu như không thể kiểm soát một khâu nào, đặc biệt là những người ít kinh nghiệm. Đa phần mọi người sẽ “rải truyền đơn” CV tới càng nhiều nơi càng tốt, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, bạn bè người thân và mong chờ phép màu đến với mình.
Những người này rất dễ mắc phải sai sót khi đi tới vòng phỏng vấn, thường là bởi họ quá phấn khích, hoặc do áp lực về tài chính, hoặc chỉ đơn giản là họ không hề có chút gì kinh nghiệm nào cho việc phỏng vấn. Thêm nữa, họ sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều ứng viên khác cho công việc đó.
Trong cuốn sách này tác giả đã tổng hợp những quan sát của mình với mục đích giúp đỡ mọi người từ bỏ những thói quen cũ, giúp họ thay đổi thái độ để tìm kiếm được việc là và gây dựng một sự nghiệp rạng rỡ.
Trong cuốn sách này tác giả sẽ chia sẻ những phương thức và kỹ thuật tốt nhất giúp bạn nhận được công việc mà bạn mong muốn.
Cầm trên tay cuốn sách này có nghĩa là bạn cũng đang mong muốn tạo ra một sự thay đổi cho cuộc sống của bản thân. Rất nhiều người nói rằng họ muốn thay đổi nhưng trên thực tế họ chẳng có động thái gì để thay đổi. Kết cục là thời gian trôi qua mà họ vẫn giậm chân tại chỗ.
Cuốn sách sẽ diễn giải một công thức chính xác và nếu bạn làm đúng theo công thức thì tin rằng bạn sẽ thành công. Có thể một vài chương trong cuốn sách này sẽ làm bạn suy nghĩ khác với những điều mà bạn được nuôi dạy và chỉ bảo từ bé.
Trong cuốn sách này tác giả sẽ cung cấp cho các bạn các công cụ, các mốc thời gian và những hướng dẫn cụ thể về những việc cần làm và cách thức đối phó với những tình huống khó xử; hướng dẫn các bạn bắt đầu bằng việc viết CV và kết thúc bằng việc chuẩn bị phỏng vấn. Cuốn sách này sẽ mở ra một chân trời mới cho bạn, nhưng điều quan trọng là bạn cần nhớ rằng nếu không được hiện thực hóa, những suy nghĩ đó cũng sẽ chẳng mang lại bất kỳ giá trị nào.
Dựa trên kinh nghiệm của bản thân sau khi đã thành công trong việc giúp đỡ nhiều người tìm được việc, cụ thể là những công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Itay Mashiach hy vọng bạn sẽ tìm thấy con đường phù hợp với mình và có được một sự nghiệp rạng rỡ.
Thông tin tác giả:
Itay Mashiach là một giảng viên đại học, một nhà tư vấn, là chuyên gia về việc làm và cố vấn nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Itay là nhà sáng lập và cũng là CEO của trường Đại học SV – đại học nổi tiếng về công nghệ ở Israel.
Itay đã đúc kết nên một phương pháp độc đáo giúp hàng trăm học viêncủa anh được nhận vào các công ty hàng đầu về công nghệ ở Israel. Thậm chí họ còn đảm đương những chức vụ quan trọng mặc dù nhiều người chưa có bằng cử nhân hay thậm chí còn chưa tốt nghiệp phổ thông.
Bên cạnh đó, Itay cũng nghiên cứu và sáng tạo thành công phương pháp mang tên “Ngàn người có một”. Dựa trên nguyên lý của phương pháp này, anh đã giảng dạy và hướng dẫn cho các bạn trẻ cách thức vượt qua các đối thủ để đạt được công việc mà mình mong muốn.
Phương thức độc đáo của Itay đã giúp các học viên của anh vượt qua nhiều trở ngại để đạt được thành công trong sự nghiệp. Cụ thể phương pháp này bao gồm: cách thức viết một hồ sơ xin việc hoàn hảo, phương thức xây dựng sự tự tin, cách xử lý các cuộc phỏng vấn, đàm phán thương lượng về chế độ phúc lợi và tiền lương…
Itay luôn cho rằng chính những người nhân viên mới là nền tảng vững chắc cho sự thành công và phát triển của công ty. Chính vì lẽ đó, anh đã lật ngược cách tư duy thông thường. Thay vì theo đuổi phương pháp truyền thống là các ứng viên phải chứng minh được năng lực của mình và “van nài” nhà tuyển dụng để cho họ một cơ hội thì Itay lại hướng dẫn họ làm sao thể hiện khả năng của mình một cách tốt nhất để chính nhà tuyển dụng phải săn đón họ. Nhờ đó, các ứng viên sẽ hoàn toàn nắm được quyền kiểm soát và có quyền lựa chọn nơi mà họ muốn làm việc.