“Ở Việt Nam, tình hình phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người đang có chiều hướng gia tăng. Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) từng chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời; tỷ lệ bạo lực hiện tại (trong 12 tháng qua) là gần 32%. Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ, ước tính thiệt hại về kinh tế tương đương với 1,8% GDP quốc gia.
Đây là những số liệu đáng báo động về sự an toàn của phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi tin rằng, kết quả những điều tra trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Việt Nam cần tiếp tục tuyên truyền, có thêm những nghiên cứu chuyên sâu và các chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa cho nhóm đối tượng phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người.
Mô hình Ngôi nhà Bình yên (nay là Trung tâm Trợ giúp xã hội – Ngôi nhà Bình yên) được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) vận hành từ năm 2007 với mục đích cung cấp gói hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người. Chị em đến với Ngôi nhà Bình yên sẽ được hỗ trợ toàn diện trong thời gian từ 3-6 tháng (hoặc gia hạn tùy trường hợp) để giúp ổn định đời sống – tinh thần, giải quyết những khó khăn và xử lý các mối đe dọa đến sự an toàn của họ. Sau khi hồi gia, Ngôi nhà Bình yên tiếp tục hỗ trợ về vấn đề pháp lý, hướng nghiệp, tìm việc làm… giúp họ có sinh kế bền vững. Sau 16 năm hoạt động, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.665 người đến từ 56 tỉnh/thành phố và 17 vùng dân tộc thiểu số (số liệu đến tháng 11.2023)
Năm 2013, chúng tôi đã xuất bản cuốn sách “Ngôi nhà Bình yên: tự truyện của nạn nhân bị mua bán trở về”. Cuốn sách được bạn đọc đánh giá cao bởi sự chân thật và xúc động. Nhiều bạn đọc nói họ cảm thấy bị “nghẹn trong tim” vì những mảnh đời cơ cực và bi thương được chia sẻ trong đó. Nhiều bài học có thể rút ra từ chính những người đã dũng cảm kể lại câu chuyện cuộc đời mình…
Năm 2023 này, với việc ra mắt cuốn sách thứ hai có tựa đề “Đi về phía bình yên – câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người”, chúng tôi hy vọng bạn đọc sẽ thấy cảm thông xen lẫn vui mừng. Bởi 12 câu chuyện của 12 người phụ nữ được giới thiệu trong cuốn sách là 12 hành trình bước khỏi bóng tối khổ đau để đến vùng sáng bình yên và an lành hơn.
Họ là 12 trong số 1.665 mảnh đời đã đến với Ngôi nhà Bình yên trong suốt 16 năm qua. Họ được chọn để viết, không phải vì trường hợp của họ đặc biệt (vì thực tế 1.665 câu chuyện đều đặc biệt theo cách khác nhau). Mà bởi chính họ chọn nói ra câu chuyện đời mình, với mong muốn lan tỏa niềm tin và hy vọng cho những người phụ nữ khác: Rằng cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. Và chúng ta luôn có quyền được sống thật hạnh phúc. Chúng ta có thể vấp ngã, có thể sai lầm, có thể đã từng là nạn nhân của những điều kinh khủng nhất như bạo lực, xâm hại, mua bán người… nhưng chúng ta vẫn có thể “sống sót”, sống mạnh mẽ và tốt đẹp hơn, với sự nỗ lực của chính chúng ta, cùng sự hỗ trợ của cộng đồng và những chính sách hỗ trợ từ nhà nước hoặc từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế,tổ chức thiện nguyện.
Các câu chuyện trong cuốn “Đi về phía bình yên – câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người” đều là chuyện có thật, đã được lược bỏ vài chi tiết quá tiêu cực nhưng vẫn đảm bảo tính chân thực. Tên người và địa danh đã được thay đổi để đảm bảo an toàn. Các nhân vật hoàn toàn đồng ý với việc chia sẻ câu chuyện ra công chúng.
Qua cuốn sách, chúng tôi mong rằng, cộng đồng xã hội sẽ nâng cao nhận thức về các vấn đề bạo lực giới, xâm hại tình dục và mua bán người. Các cơ quan chức năng có thể xây dựng các chính sách đồng bộ để hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân thuộc nhóm đối tượng nêu trên. Bạn đọc có thể tìm được những bài học giá trị từ mỗi câu chuyện. Và đặc biệt, trong tương lai, chúng ta có quyền hi vọng về một xã hội văn minh, dân trí cao, không còn những cảnh đời bất hạnh do thiếu tri thức hay bị lệ thuộc”.
(Lời nói đầu)
Sách song ngữ, tiếng Anh và tiếng Việt