Bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải gồm 6 tập: Bão táp cung đình, Đuổi quân Mông Thát, Thăng Long nổi giận, Huyết chiến Bạch Đằng, Huyền Trân công chúa, Vương triều sụp đổ.
Bão táp cung đình (tập 1): Tái hiện sự ra đời của thời đại nhà Trần với vai trò đạo diễn của Thái sư Trần Thủ Độ. Ông là người có chí lớn trong thiên hạ, vì việc lớn biết dẹp những quyền lợi riêng tư để giữ nghiêm phép nước, đồng thời cũng là người có mưu kế nhằm xây dựng một cơ nghiệp nhà Trần từ buổi còn trứng nước.
Đuổi quân Mông Thát, Thăng Long nổi giận, Huyết chiến Bạch Đằng (tập 2, 3, 4) tái hiện liên tiếp ba cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông – Nguyên của dân tộc ta và các chiến thắng đó đã ghi đậm dấu ấn võ công oanh liệt của nhà Trần.
Huyền Trân công chúa (tập 5) viết về đường lối ngoại giao thời bình của vua Trần Nhân tông, và cuộc hôn nhân đi vào lịch sử giữa vua Chămpa Chế Mân và công chúa Đại Việt Huyền Trân – một cuộc hôn nhân đã mở rộng đất đai của nước Đại Việt. Xuyên suốt tác phẩm thấm đẫm nền văn hóa phong tục hai nước Chămpa và Đại Việt.
Vương triều sụp đổ (tập 6) mở đầu bằng việc dâng “Thất trảm sớ” của Chu Văn An. Các vua quan cuối đời Trần sa vào chuyện ăn chơi sa đọa, coi thường kỷ cương phép nước. Và nhà Trần đi theo vết trượt dài của các triều đại suy đồi dẫn đến sụp đổ.
Có thể nói, triều Trần là một triều đại võ công, văn hiến, nhiều nhân tài – một triều đại huy hoàng vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam (ba lần thắng quân xâm lược Nguyên – Mông). Triều Trần tồn tại ba thứ đạo và cũng là ba dòng triết học lớn: Phật, Nho, Lão và ba đạo lại cùng phát triển trên cơ sở “tam giáo đồng nguyên” (vốn đã có nền móng từ thời Lý). Đó là chỗ linh diệu, cao siêu của các nhà trị quốc nhằm dung hòa để ba thứ đạo ấy có cùng một mục tiêu là phục vụ con người, dân tộc Việt. Định hướng xã hội thời đó là: Xã hội Nho, Tâm linh Phật, Thiên nhiên Đạo đã tạo nên một chỉnh thể ý thức hệ dân tộc Việt phát triển ở một tầm cao mới.
Năm 2008, bộ sách được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội.
Một vài nhận xét khác:
“Những con chữ trong tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải không chỉ có nhiệm vụ phục dựng hình ảnh, không khí, sự kiện của quá khứ mà còn mang một sứ mạng quan trọng hơn. Đó là tôn vinh những tinh hoa của người Việt ta từ bao đời nay. Tinh hoa đó là truyền thống văn hóa, lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý chí quật cường trong dựng nước và giữ nước thể hiện qua những việc làm thiết thực, từ những chiếu dụ của một vị vua như chiếu dụ miễn thuế cho dân hai đợt, mỗi đợt ba năm của Lý Thái Tổ, đến những chính sách, những việc làm của bộ máy điều hành nhà nước ở thời Lý giúp hòa hợp được cả ba tôn giáo lớn trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới xảy ra chiến tranh tôn giáo tàn khốc. Đó là những lễ hội ở cấp làng xã, cấp quốc gia với áo mũ, cờ, trống, ca vũ, không lai căng, pha tạp mà thuần chất Việt, đặc trưng của người Việt. Đó là những gương mặt anh hùng như Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, các liệt nữ như Huyền Trân Công Chúa, An Tư Công Chúa, những nhà lãnh đạo có trí và tâm soi sáng cả đương thời và hậu thế như Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông… Đó là tinh thần hiếu học, trọng nghĩa, khuyến tài, là truyền thống con kính trọng và hiếu thuận với cha mẹ, dân đồng lòng phò vua, là không khí sục sôi tinh thần quyết tâm giữ nước trước họa xâm lăng. Vì sao Hoàng Quốc Hải lại chọn viết về nhà Trần? Bởi vì đó là một thời đại hưng thịnh vào bậc nhất trong bốn nghìn năm lịch sử của nước ta nhưng cũng là bởi những người dân đất Việt của thời Trần đã ba lần đánh thắng quân Mông Nguyên, những kẻ xâm lược hùng mạnh và ngang ngược lúc bấy giờ đã chinh phục cả châu Âu, châu Á”.
(Nhà văn Nguyễn Bích Lan)