Phụ nữ và trinh thám: tuy xa mà gần

Trước nay chúng ta vẫn nghĩ rằng phụ nữ chỉ thích đọc tiểu thuyết lãng mạn, nhưng hóa ra họ lại chăm đọc truyện trinh thám -hình sự hơn hẳn nam giới. Theo thống kê năm 2010 của tổ chức Sisters in Crime tại Mỹ, 68% độc giả trinh thám là phụ nữ. Một khảo sát khác của Harris Poll trong cùng năm 2010 cho thấy truyện trinh thám là thể loại sách văn học được yêu thích nhất ở cả hai giới, nhưng phụ nữ đọc trinh thám với một tỉ lệ trội hơn hẳn (57% so với 39% ở nam giới). Tại Việt Nam, Hội yêu thích truyện trinh thám cũng có số lượng bạnnữ nhiều áp đảo, chiếm khoảng 70% tổng số thành viên.Đáp ứng nhu cầu cho đối tượng phục vụ chính của mình, Nhà xuất bản Phụ Nữ đã và đang xây dựng một dòng sách trinh thám mang đặc trưng riêng, rất “phụ nữ”.

Trinh thám nước ngoài và cột mốc năm 2010

Để xác định bản sắc của trinh thám Phụ Nữ, chúng ta hãy ngược dòng thời gian về những năm đầu thế kỷ hai mươi mốt. Lúc đó, số lượng đầu sách trinh thám được dịch và phát hành hàng năm của nhà xuất bản còn hạn chế, nhưng đã có sự tập trung vào dòng trinh thám – hình sự hiện đại, vớicác tác giả Âu Mỹ như John Grisham (Hồ sơ vụ án con bồ nông,Ngô Quang Huy dịch, 2004;Quan tòa trong tù,Lê Minh Hải dịch, 2005), Fred Vargas (Vù lẹ lặn luôn,Trần Đĩnh dịch, 2004), P.D. James (Tầm thù,Văn Hòa, Kim Thùy dịch, 2005)…

                                                     Một số đầu sách trinh thám tiêu biểu trước năm 2010 của Nhà xuất bản Phụ Nữ

 

Năm 2010 đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với nhà xuất bản Phụ Nữ, khi ra mắttiểu thuyết Cô gái có hình xăm rồng (Bộ 3: Cô gái có hình xăm rồng, Cô gái đùa với lửa, Cô gái chọc tổ ong bầu) của Stieg Larsson (bản dịch của Trần Đĩnh) và lập tức gây được tiếng vang. Tính cho đến thời điểm hiện tại, các tập của bộ truyện này đã được tái bản nhiều lần, với số lượng tiêu thụ lên đến hàng vạn bản. Hiệu ứng tích cực từ tác phẩm này đã khích lệ nhà xuất bản mạnh dạn khai thác mảng sách văn học trinh thám và có những định hướng rõ ràng hơn, đặc biệt là mảng trinh thám – hình sự Bắc Âu (khai thác sâu các góc cạnh tâm lý – xã hội, thân phận, bất bình đẳng giới,…).

 

                                                                            Các mẫu bìa khác nhau của Cô gái có hình xăm rồng

Tuy còn chiếm vị trí khiêm tốn trên thị trường, dòng sách trinh thám – hình sự của Phụ Nữ đã bước đầu tạo được dấu ấn trong lòng độc giả với những tác phẩm lột tả được hình tượng nữ điều tra viên hiện đại, hoặc khai thác sự bất bình đẳng về giới, vai trò trung tâm của người phụ nữ trong những vấn đề xã hội.

 

Những nữ điều tra viên vượt qua định kiến về giới

Nếu như nam giới thường giữ vai trò phá án trong truyện trinh thám kinh điển như các thám tử Sherlock Holmes, Hercules Poirot, thanh tra Maigret…thì trinh thám hiện đại để cho phụ nữ làm công việc tưởng chỉ dành cho phái mạnh này với tần suất ngày một nhiều. Không nằm ngoài xu thế,trong những tác phẩm được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành kể từ năm 2010, chúng ta bắt gặp những hình tượng điều tra viên với cái tôi khác biệt như hacker Lisbeth Salander (series Cô gái có hình xăm rồng của Stieg Larsson, Trần Đĩnh dịch, 2010), thám tử Amaia Salazar (series Thung lũng Baztán xứ Basque – 3 tập- của Dolores Redondo, Thanh Vân dịch, 2017). Họ cũng có thể là mẫu phụ nữ quyết đoán, suy luận sắc sảo như cô tiểu thư Patricia Borchmann (Người ruồi của Hans Olav Lahlum, Huỳnh Ngọc dịch, 2016) hoặc gai góc và lì đòn như đặc vụ Mila Vasquez (Kẻ nhắc tuồng, Người ru ngủ… của tác giả Donato Carrisi, Hoàng Anh dịch, 2013) …

Không chỉ tập trung vào vụ án, tiểu thuyết trinh thám hiện đại còn kể câu chuyện của bản thân các nữ điều tra viên, khiến họ trở nên “người” hơn, chứ không đơn thuần là những cỗ máy chỉ biết suy luận và hành động. Các nhân vật thám tử nữ giới được nhắc đến trên đây đều được xây dựng đa chiều, có những góc khuất và quá khứ ám ảnh. Họ không phải luôn luôn đúng, họ cũng phạm sai lầm, hoặc chao đảo giữa lằn ranh mong manh của thiện ác. Tất cả những chi tiếtấy giúp cho họ trở nên gần gũi hơn và chạm đến trái tim của độc giả. Đó cũng là điều mà Nhà xuất bản Phụ nữ hướng đến qua những đầu sách trinh thám của mình.

                                                   Một số đầu sách trinh thám tiêu biểu sau năm 2010 của Nhà xuất bản Phụ Nữ

 

Phụ nữ trong các vấn đề xã hội hiện đại

Bên cạnh các hình tượng nhân vật nữ điều tra viên ấn tượng, một điểm sáng của dòng sách trinh thám Phụ nữ là sự phản ánh các vấn đề nổi cộm của xã hội hiện nay. Với Cô gái trong lồng (Jussi Adler-Olsen, Hoàng Anh dịch, 2018), đó là sự quan liêu, bất bình đẳng giới và đạo đức giả trên chính trường Đan Mạch. Với Bạo lực (Karine Giebel, Nguyễn Thị Tươi dịch, 2018) đó là sự tan rã của gia đình trong một xã hội Pháp đầy thực dụng. Còn với Cô gái trong sương mù Donato Carrisi,Hoàng Anh dịch, 2019) đó là những hệ lụy khi truyền thông lên ngôi, khi mà mọi giá trị đều được quy về tỉ suất người xem và số lượt chia sẻ trên các mạng xã hội…Dù vô tình hay hữu ý, nữ giới thường chiếm vị trí trung tâm của các vấn đề xã hội được đề cập trong sách trinh thám Phụ nữ, tạo được sự đồng cảm nơi độc giả. Những câu chuyện như thế sẽ tiếp tục được kể chừng nào người phụ nữ còn chưa được an toàn, còn là nạn nhân của sự ức hiếp hoặc phân biệt đối xử.

                                                   Một số đầu sách trinh thám tiêu biểu sau năm 2010 của Nhà xuất bản Phụ Nữ

 

Với sự tham gia đầy tâm huyết của nhiều chị em phụ nữ trong các khâu từ định hướng, thẩm định, khai thác bản quyền cho đến biên tập và in ấn, phát hành, Nhà xuất bản Phụ nữ sở hữu một bản sắc rất độc đáo mà ít đơn vị làm sách nào có được. Hi vọng rằng trong tương lai, chất riêng của sách trinh thám Phụ nữ sẽ ngày càng được phát huy, đáp ứng sự kì vọng của các độc giả Việt Nam.

Hoàng Anh