Chuyến tàu Mùa thu: phần 1 – Vẻ đẹp của chữ Quốc ngữ trong văn hóa Việt Nam

 

Tôi nhận lời với Câu lạc bộ (CLB) Book & Friend (Sách và bạn), một tổ chức cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh, mời thực hiện bốn buổi thuyết trình và giao lưu với các bạn trẻ, các học sinh cấp hai và các thầy cô giáo từ ngày 12 đến ngày 18/9/2019, có chủ đề bao quát: Vẻ đẹp của chữ Quốc ngữ trong văn hóa Việt Nam.

Tôi tự biết, quyết định nhận lời là sự liều lĩnh, nhưng điều này vốn vẫn thường sảy ra với tôi. Tôi không thấy lo lắng, ngược lại là sự náo nức, sẵn sàng lên đường.

Khách mời diễn đàn tại VFIS.jpg

Các gương mặt chính của buổi tọa đàm diễn ra ngày thứ Bẩy 14/9/2019 tại trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan VFIS với chủ đề khởi nghiệp.

Từ phải qua trái: Tiến sĩ Nguyễn Trí Nhân, Trương Lê Na, Lương Hoài Trọng Tính, Phạm Nguyệt Minh, Đào Lê Na (Trường KHXHNV.TP.HCM), Nguyễn Thị Thùy Dung, Nguyễn Quốc Vương, Huỳnh Tuấn Anh và Nguyễn Lân Bình.

Buổi gặp thứ nhất.

Trường Quốc tế song ngữ EMASI (English – Mathematics – Art – Science – IT) có hai cơ sở nằm trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng – quận 7 là EMASI Nam Long, và EMASI Vạn Phúc – Thủ Đức. Ngôi trường được trang bị cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn Hoa kỳ, và cam kết, là ngôi trường có chất lượng giáo dục cao nhất ở Việt Nam, nhằm nuôi dưỡng những phẩm chất và tư duy tích cực của thế hệ trẻ, sẵn sàng cho yêu cầu hội nhập quốc tế, mà không bị bất kỳ một rào cản nào về ngôn ngữ, văn hóa, trình độ và kỹ năng.

Chiều ngày 13/9, Tết Trung Thu, Sài Gòn mưa xối xả, người bạn trẻ đưa tôi đi bằng xe máy từ quận 3 đến trường ở khu Phú Mỹ Hưng từ lúc 14h00. Trước khi khởi hành, tôi thấy băn khoăn vì thời tiết xấu, nên đã đề nghị anh bạn trẻ, để tôi đi bằng taxi, do đồ đạc của tôi khá lỉnh kỉnh, nhất là số sách dùng làm quà tặng cho các cơ sở tôi sẽ tiếp xúc. Hơn nữa, tôi muốn đến VIETLIFE cũng nằm trong khu Phú Mỹ Hưng, là thành viên CLB Book & Friend, để tập kết và đến EMASI Nam Long không xa. Giờ làm việc của tôi với học sinh là 15h30.

Cuộc sống, đôi khi không phải cứ nhất nhất thực hiện theo đúng sự phân công sẽ là có lợi. Người bạn được phân công đưa đón tôi bằng xe máy, đã tỏ ra lo lắng nếu để tôi đi taxi, bạn áy náy vì nhỡ gặp một taxi không minh bạch thì sao? Sảy ra điều đáng tiếc thi ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Vả lại, người về hưu, không có nhiều tiền cho khoản chi này. CLB Book & Friend lấy đâu sự dư giả, ngoài sự góp sức của các thành viên, để hỗ trợ tài chính và phương tiện cho diễn giả của mình giống như với cơ quan Nhà nước, hay những doanh nghiệp phát đạt.

Ngồi lên xe máy của người bạn trẻ, trời bắt đầu mưa, nhưng chưa đến mức dữ dội. Tôi còn không cả mặc áo mưa vì nghĩ, chắc cũng chỉ mưa nhè nhẹ thôi….

Càng đi, trời mưa càng to, đến mức người bạn trẻ khó xác định đúng địa điểm của VIETLIFE (nơi tôi phải đến trước khi sang trường EMASI), nên bạn ấy đã đi quá con đường cần rẽ… Điều này làm mất thêm mươi phút nữa. Đến lúc này, dù trời mưa lạnh, nhưng lòng tôi như lửa cháy khi nghĩ đến chuyện muộn giờ, nghĩ đến các học sinh và giáo viên đang sốt ruột, chờ một diễn giả không chuyên, ở mãi ngoài Hà Nội vào, và để xem ông ta sẽ trình bày những gì… Song tôi có thể làm gì được vào cái giây phút gay cấn đó?!

Tôi đã từng sống trong mưa cả tháng trời khi còn là người lính ở rừng Trường Sơn trong những năm chiến tranh, nhưng nó không làm người ta phải sốt ruột điên cuồng như trận mưa chỉ có một tiếng đồng hồ lúc này ở Sài Gòn. Tôi ân hận và cực kỳ lo lắng, vì nghĩ đến lời của thầy giáo Nguyễn Trí Nhân, người tổ chức và chủ trì buổi gặp mặt này nói với tôi qua điện thoại, rằng tiết học ngoại khóa là tiết cuối cùng trong ngày, nên các em phải ra về đúng giờ vì phụ thuộc vào xe buýt đưa đón học sinh!

Lạy Trời, tôi đến muộn gần 15 phút. Ở những hoạt động khác, 5 hay 10 phút có thể không hệ trọng lắm, nhưng ở đây hẳn là một chuyện đáng xấu hổ.

Tôi được một cô giáo đón từ ngoài cổng trường. Chúng tôi đi như bay vào hội trường nơi học sinh đang đợi. Tôi không còn tâm trí để quan sát, nhưng cảm giác của tôi là sự choáng ngợp vì ngôi trường quá đồ xộ, đẹp miên man… và sạch hơn các bệnh viện mà tôi từng biết.

Tôi không thể chần chừ, khi thấy thầy Trí Nhân đang thay tôi dẫn khái quát về lịch sử chữ viết Quốc ngữ trước các em học sinh.

Đứng trước các thầy cô giáo và các em học sinh cấp hai của trường EMASI Nam Long, tôi thoáng nhận thấy sự nghiêm túc đến triệt để của bầu không khí chờ đợi. Tôi cúi chào và thành thật xin lỗi sự chậm trễ của mình. Tôi không dám bao biện vì lý do gì làm tôi đã đến muộn, thay vào đó, tôi vào đề ngay.

EMASI Nam Long 2.jpg

Diễn giả Nguyễn Lân Bình cùng các em học sinh trường EMASI Nam Long sau buổi diễn giải

Chủ đề chính của buổi thuyết trình, là phải nêu được chính xác lịch sử ra đời của chữ viết Quốc ngữ, so sánh sự thuận lợi giữa việc tiếp thu chữ Quốc ngữ và chữ Hán, thứ chữ mà dân tộc Việt đã bị ảnh hưởng suốt cả ngàn năm Bắc thuộc.

Tôi cũng lấy được đôi ba ví dụ để chứng minh với các em rằng, thế nào là chữ hình tượng, thứ chữ vừa đọc vừa suy đoán… Trong khi chữ viết chúng ta dùng là hệ quả của việc: nói thế nào thì viết như vậy….(lời của học giả Nguyễn Văn Vĩnh).

Tôi nhắc đến hai nhân sĩ là người Nam Bộ lẫy lừng trong văn hóa Việt Nam, là Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của. Hai con người đó đã làm rất nhiều để người Việt dùng chữ Quốc ngữ vào giai đoạn nửa cuối của thế kỷ 19 ở Nam kỳ. Đáng tiếc, vì hai ông đã không tạo được thành phong trào.

Tôi lập luận, không có phong trào thì sẽ không có cao trào, mà không có cao trào sẽ không đẩy lên thành cách mạng. Muốn thay đổi lối nghĩ và thói quen của con người, nhất là trong đời sống văn hóa, nhất thiết phải thông qua các cuộc cách mạng, và điều này đã được các nhân sỹ yêu nước ở Bắc kỳ thực hiện, qua Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 ở Hà Nội, và người đã đóng góp tích cực, giữ vị trí trọng yếu là học giả Nguyễn Văn Vĩnh, lúc đó ông mới 25 tuổi.

Tôi dẫn chứng với các em, rằng hơn 100 năm trước, để đồng bào của Nguyễn Văn Vĩnh quan tâm đến cái chữ viết dùng mẫu tự chữ cái La Tinh, ông và các nhân sĩ cùng thời đã làm như thế nào? Đã làm những gì? Làm trong bao lâu? Để người dân chấp nhận theo học chữ quốc ngữ, để Triều đình Nhà Nguyễn quyết định dừng việc thi Hương, thi Hội và thi Đình, phương thức của nền giáo dục Nho học chỉ để đưa người học đến chỗ làm quan, tuyệt nhiên không hề vì nền dân trí xã hội và sự tiến bộ của một quốc gia.

Quan trọng hơn nữa, sự chấm dứt phương thức giáo dục Nho học, là cơ sở để nền giáo dục hiện đại ra đời và sử dụng chữ viết Quốc ngữ làm nền tảng, và điều này diễn ra đúng 100 năm trước đây 1919 – 2019.

Một tiết học thật ngắn nếu nội dung truyền đạt của diễn giả có chất lượng tốt, nhưng làm sao biết ngay được kết quả tốt hay không, nếu không thông qua ý kiến của người nghe? Đây là một phần thưởng đã khích lệ tôi rất nhiều cho những buổi thuyết trình tiếp theo sau đó.

Thầy P.Hiệu trưởng EMASI Nam Long.jpg.

Diễn giả Nguyễn Lân Bình trao tặng 6 cuốn sách do mình chủ biên cho trường EMASI Nam Long. Thầy Phó Hiệu Trưởng Võ Thiện Cang thay mặt nhà trường nhận và cảm ơn

 

Buổi gặp thứ hai – Buổi sáng.

CLB Book & Friend tổ chức một chuỗi dài các hoạt động văn hóa nhằm kêu gọi và khuyến khích văn hóa đọc, trong cộng đồng dân cư nói chung, và với thanh thiếu niên nói riêng. Chuỗi hoạt động này được mang tên CHUYẾN TÀU MÙA THU khởi hành từ đầu năm 2018, và kết thúc là tháng 9/2019, với điểm cuối mang tên Ga Sài Gòn.

Tổ chức buổi lễ có tính tổng kết này, CLB Book & Friend đã liên hệ, hợp tác và lấy địa điểm là trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan VFIS, là một nhánh của trường đại học Tôn Đức Thắng, cũng nằm trong quận 7 của TP. HCM.

Cổng vào VFIS.jpg

Cổng vào trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan VFIS.

Buổi lễ có chủ đề: ‘Giờ là lúc sống cho đời mình – Khởi nghiệp từ Văn hóa và Điện ảnh’. Đây là một buổi đối thoại đầy hấp dẫn và thú vị. Hấp dẫn bởi lẽ khách mời đối thoại là 8 gương mặt trẻ, nhiều tuổi nhất là sinh năm 1978, và ít tuổi nhất là1997.

Đặc biệt, sự có mặt của đạo diễn điện ảnh Huỳnh Tuấn Anh (tác giả những bộ phim được công chúng ưa thích như Lô Tô, Phượng Khấu…), hoặc tiến sỹ Nguyễn Quốc Vương, người có chuyên môn sâu về sư phạm lịch sử, tác giả của 50 đầu sách đã được xuất bản, bao gồm cả việc viết và dịch từ tiếng Nhật và tiếng Anh. Trong đó có đầu sách đã tái bản đến gần nửa triệu bản ở VN trong những năm qua, đồng thời cũng là người có nhận định dứt khoát rằng: “Văn hóa dẫn đường cho kinh tế”.

Đáng kể nữa, đó là sự có mặt của cô Nguyễn Thị Thùy Dung, người có sáng kiến tổ chức dự án ‘Ngày ngày viết chữ’, thu hút hàng trăm, hàng ngàn lượt học sinh theo học, nhằm chủ động nói và viết tiếng Việt một cách chuẩn mực, có cơ sở khoa học. Hoặc như cô Phạm Nguyệt Minh, người sáng tạo ra trò chơi ‘Cờ Lịch sử’, chỉ vì muốn con mình ham mê môn sử….

Các ý kiến của các khách mời đều xoay quanh nội dung chính, là tuổi trẻ khi lao vào công cuộc khởi nghiệp, nhất thiết phải dựa trên nền tảng của những kiến thức văn hóa và xã hội, rồi mới là sự đam mê, là điều kiện môi trường văn hóa. Ngoài ra, các khách mời chia sẻ những kinh nghiệm đã từng trải qua vào những thời điểm khởi đầu mong manh, lúc đó, cần có những điều kiện cơ bản nào? Dựa trên những mục đích gì? Và dành cho những đối tượng nào trong xã hội?

Bao quát các ý kiến của các khách mời, loáng thoáng xuất hiện đâu đó quan điểm: cần đầu tư kinh phí trước, hay cần ý tưởng và lòng đam mê trước?

Người dẫn chương trình, thầy Nguyễn Trí Nhân, sinh năm 1982, người hiện là Chủ nhiệm Khoa Sinh học ĐHKH Tự nhiên TP. HCM, đã giới thiệu khá hợp lý sự có mặt của tôi, nhân danh là người chủ biên đã và sẽ xuất bản bộ sách dự kiến 14 tập, với nhan đề: ‘Lời của Người Man di hiện đại’, bao gồm các di cảo chọn lọc của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã viết trong suốt 30 năm cầm bút, về tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội của người VN những thập niên đầu của thế kỷ 20.

Trong một tâm trạng phấn khích vì được chứng kiến những thổ lộ của các bạn trẻ bàn về văn hóa khởi nghiệp, đồng thời, chủ quan tôi nhận thấy, các ý kiến còn thiếu một khía cạnh thực trong cuộc sống đời thường, mà không phải mọi người dễ coi đây là nguồn gốc của một sự nghiệp, đó là tư tưởng của nhà triết học người Đức (1770-1831) Georg Wilhelm Friedrich Hegel, ông đã viết:

“Không phải tính tò mò, không phải sự kiêu căng, không phải việc cân nhắc lợi ích, không phải trách nhiệm hay vì làm theo lương tâm mà chính là cơn khát không chịu chấp nhận thỏa hiệp, đầy khốn khổ và không thể dập tắt, dẫn chúng ta đến sự thật”.

Tôi nhấn mạnh trước diễn đàn, rằng khi con người khao khát sự thật, người ta sẽ lao đi tìm kiếm nó. Sự lao đi một cách quyết liệt, được gọi là sự dấn thân, và nhờ ý thức dấn thân, người ta hoàn thành một sự nghiệp bằng một cách khởi nghiệp không theo công thức!

Nói đến quan điểm này, tôi quan sát thấy nhiều bạn trẻ tỏ thái độ đồng tình trên nét mặt, điều càng làm cho tôi thấy tin vào những chia sẻ của mình là có cơ sở.

Cuộc hội thảo cứ mải miết cuốn tất cả những ai có mặt, say xưa nghe, trao đổi và cả nỗi niềm mang nặng chất tâm sự, chia sẻ, thậm chí cả một vài tiết lộ sâu kín… và mọi người …. quên mất thời gian khi người chủ xướng chương trình, thạc sỹ KHXH Nhân văn Trương Lê Na lưu ý, đồng hồ đã chỉ 12h00!

8 vị khách mời.jpg

8 vị khách mời tại buổi tọa đàm ở trường Quốc tế VFIS

Thật tuyệt vời, với sự có mặt của bà Hiệu trưởng trường Việt Nam – Phần Lan VFIS Seija Nyholm, cùng những lời chào mừng sự kiện khi khai mạc, lại được cô Phó Hiệu Trưởng Thu Huyền kết lại bằng những lời lẽ đầy nhiệt huyết, mạnh mẽ, cổ vũ và cả mong đợi, Book & Friend sẽ thường xuyên hơn nữa, tổ chức những buổi diễn đàn văn hóa, mang hơi thở thấm đẫm chất hào khí của tuổi trẻ, với đầy tính trí tuệ và kèm cả sự thông tuệ của học vấn.

Bà Hiệu trưởng VFIS.jpg

Bà Seija Nyholm Hiệu trưởng trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan

Mọi người chia tay nhau, những mong sẽ có nhiều cơ hội gặp lại. Các vị khách mời, cùng các thành viên của Chuyến Tàu Mùa Thu đưa nhau về VIETLIFE, không phải chỉ để dùng bữa trưa thân mật, mà nhiều hơn nữa, đó là buổi sinh hoạt có chuyên đề ‘Khởi nghiệp với Văn hóa và Điện ảnh’.

Đã có bạn hỏi nhỏ tôi, rằng chú có mệt không? Có theo được bọn cháu không…?

Ơn Trời, tôi vẫn tưng bừng, vẫn hào hứng để lắng nghe những giãi bày, những tâm sự về kinh nghiệm vào đời của tuổi trẻ, tôi thích!

Nhìn lại chính cuộc đời mình, ngày còn thanh niên, chúng tôi làm gì có khái niệm về thế nào là hướng nghiệp? Ngày ấy, làm sao chúng tôi có thể được lựa chọn nghề mình mong muốn, cho dù đó là mong muốn chính đáng trong việc dâng hiến những năng lực bẩm sinh, không phải cho đời mà cho lòng đam mê của chính mình, của những người thân của mình….

Vâng quá khứ của chúng tôi chỉ có một con đường: ‘Tuân theo sự phân công của tổ chức!’. Mọi nguyện vọng của bản thân, sẽ đều bị coi là cá nhân chủ nghĩa, điều có thể sẽ bị trừng phạt không giới hạn!

Tôi ngậm ngùi nhớ đến bao người bạn của mình, đã vật lộn ra sao để sinh tồn, đã len lỏi bằng mọi cách để né tránh những áp đặt của cơ chế, và đã vất vưởng tìm kế sinh nhai chỉ vì không tuân thủ những ‘quy định’ của xã hội.

Còn hôm nay…? Thật hy vọng cho tương lai của đất nước!

Khác tham dự tại VFIS.jpg

Các khách tham dự diễn đàn sáng thứ Bẩy 14/9/2019 tại trường Quốc tế VFIS

Buổi chiều.

VIETLIFE, một cơ sở kinh doanh du lịch đầy chất văn hóa, một thành viên thân cận của CLB Book & Friend, nằm khiêm tốn trên một con phố nhỏ, yên tĩnh, rợp bóng cây trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Tại cơ sở này, tôi nhận thấy mọi đồ vật không phải chỉ dùng cho việc bài trí trong các phòng nghỉ dành cho khách, và đặc biệt hơn, là nhà hàng nơi phục vụ ăn uống, ở đâu, chỗ nào cũng thấy sự kêu gọi những người tiếp cận, hãy nghĩ đến văn hóa! Cô kiến trúc sư Tạ Vân Huyền, người chủ sở hữu đích thực của VIETLIFE, còn có cả một cộng sự đắc lực chuyên thiết kế văn hóa mỹ thuật, cô có tên là Quỳnh Hương, và cả hai đều xác định: Văn hóa quyết định sự Văn minh.

Tôi không thấy xa lạ khi hai cô dựa vào nguyên tắc đó để xây dựng cơ sở này.

Các thành viên tham dự diễn đàn buổi chiều tại VIETLIFE.jpg

Các thành viên tham dự diễn đàn chủ đề ‘Khởi nghiệp với Văn hóa – Điện ảnh’, tổ chức tại phòng chiếu phim của VIETLIFE chiều thứ Bẩy 14/9/2019

Tại phòng chiếu phim riêng của VIETLIFE, các bạn trẻ đã thật sự lắng đọng khi nghe bài thuyết trình dài của tác giả 50 cuốn sách Nguyễn Quốc Vương, chia sẻ những nhận thức, kinh nghiệm và cả những quan điểm mang đủ màu sắc của nhãn quan xã hội, khi anh cặm cụi thực hiện những hoài bão của mình trong đời.

Tôi có thể tường thuật lại khá đầy đủ nội dung Quốc Vương đã trình bày trước mọi người, nhưng như thế, việc viết lại của tôi sẽ có thể thành một cuốn sách, mà sách của Quốc Vương đã viết nhiều về nội dung này lắm rồi.

Hy vọng các bạn sẽ để tâm đến những cuốn sách của Quốc Vương, vì theo tôi, Quốc Vương hội tụ được thật nhiều những tinh hoa trong văn hóa Nhật Bản, nơi anh chịu ảnh hưởng 8 năm trời, cùng với những cảm nhận, quan sát thông minh và rất hệ thống sự phát triển khập khễnh của xã hội Việt Nam, kèm với những gia vị chua chát và cay đắng của chính cái nôi sinh ra và lớn lên của anh.

Trời đã hết nắng, chiều Sài Gòn ở vùng ven đô thật êm ả…. Chúng tôi lại chia tay, lại hẹn hò, và lại mong đợi đến cuộc gặp tiếp theo không rõ khi nào…?!

Nguyễn Lân Bình

Theo tannamtu.com
Phần 2