Nội dung bài viết được lấy từ Tham luận của bà KHÚC THỊ HOA PHƯỢNG – Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tại Đại hội V- Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kì 2023-2028, vào ngày 13/7/2023
I.ĐẶT VẤN ĐỀ
Khoảng 10 năm trở lại đây, các vấn đề về Giới ở Việt Nam được giới trẻ đặc biệt quan tâm. Trên một số diễn đàn mạng xã hội có những từ/cụm từ gây tò mò, thu hút sự tranh luận sôi nổi, liên quan đến giới, nữ quyền như: “nữ quyền lộng lẫy”, “nữ quyền độc hại”; đồng thời với đó là một số trang mạng tập trung vào chủ đề giới/nâng cao nhận thức về giới…thu hút được khá nhiều bạn trẻ theo dõi. Theo quan sát của chúng tôi, khá nhiều kiến thức mới về giới và nghiên cứu giới của thế giới đã được cập nhật ở Việt Nam thông qua kênh truyền thông mạng xã hội nêu trên, trong khi nhìn lại ở Việt Nam, nếu cần tìm hiểu hoặc tra cứu các vấn đề về giới, về nữ quyền, phụ nữ học, lịch sử phụ nữ Việt Nam, v.v trên các phương diện tư liệu, văn bản, công trình nghiên cứu một cách hệ thống thì thực sự khó khăn do tư liệu tản mát, không có nhiều các kết quả chuyên sâu hoặc các tư liệu không mang tính hệ thống. Điều này là một khoảng trống lớn trong nghiên cứu giới ở Việt Nam.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trực thuộc Hội LHPN Việt Nam là cơ quan thông tin, tuyên truyền, giáo dục của Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi tự nhận thức được rằng các đề tài sách về giới và nghiên cứu giới của Nhà xuất bản còn chưa phong phú; chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc trong xã hội hội nhập và hiện đại hôm nay; đồng thời cũng chưa đáp ứng được nhiệm vụ nghiên cứu của Hội LHPN VN. Chính vì những khoảng trống trên, Nhà xuất bản đã có kế hoạch đầu tư xây dựng một tủ sách có hệ thống các vấn đề về giới, lấy tên là Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Giới và phát triển).
- TỦ SÁCH PHỤ NỮ TÙNG THƯ (GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN)
Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Giới và phát triển) là tủ sách công bố các công trình về vấn đề phụ nữ (the question of women), hướng tới các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ (women’s rights), cũng như đấu tranh cho nữ quyền (feminism), vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước. Tủ sách gồm:
– Loại Biên khảo, tư liệu: tập hợp các tư liệu trên báo chí, các công trình, bài viết của các nhà cách mạng, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật, nhà hoạt động nữ quyền,v.v ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, khi vấn đề phụ nữ trở thành một bộ phận quan trọng trong các dự án cải cách xã hội và đấu tranh vì sự bình đẳng giới;
– Loại Hợp tuyển, tinh tuyển: tập hợp sáng tác của các tác gia nữ trong di sản văn chương Việt Nam thời trung đại, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa do phụ nữ Việt Nam sáng tạo;
– Loại Nghiên cứu: giới thiệu các tập tiểu luận chuyên đề, các chuyên khảo nghiên cứu về các vấn đề phụ nữ ở Việt Nam và thế giới;
– Loại Dịch thuật: giới thiệu các công trình kinh điển của thế giới đấu tranh cho sự nghiệp của phụ nữ, các lý thuyết và thực hành nghiên cứu về các vấn đề phụ nữ, các vấn đề về giới và nữ quyền; dịch và giới thiệu các công trình tìm hiểu các vấn đề của phụ nữ Việt Nam ra thế giới.
Các sách thuộc Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Giới và Phát triển) đã xuất bản:
- Một Điểm tinh hoa – toàn tập các tác phẩm của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (2017). Tác giả: PGS.TS Trần Thị Băng Thanh (sưu tầm, dịch, chú giải và giới thiệu)
2.Đạm Phương nữ sử – vấn đề phụ nữ ở nước ta (2018). Đoàn Ánh Dương (giới thiệu, tuyển chọn)
3.Nhời đàn bà (2018). Nguyễn Lân Bình (giới thiệu và biên soạn)
4.Phan Bội Châu – vấn đề phụ nữ ở nước ta (2018). Đoàn Ánh Dương (giới thiệu, tuyển chọn)
5.Phan Khôi – vấn đề phụ nữ ở nước ta (2018). Lại Nguyên Ân (giới thiệu, tuyển chọn)
6.Nam nữ bình quyền (2019). Đặng Văn Bảy
7.Tự Lực văn đoàn – vấn đề phụ nữ ở nước ta (2020). Đoàn Ánh Dương (giới thiệu; Nguyễn Thị Minh Huệ, Vũ Thị Thanh Loan, Đào Thị Hải Thanh tuyển chọn)
- Nguyễn Văn Vĩnh – vấn đề phụ nữ ở nước ta (2021). Đoàn Ánh Dương và Nguyễn Đào Nguyên (giới thiệu, sưu tầm, biên soạn)
- Dư luận nữ quyền tại Huế (1926-1029) trên sách báo đương thời (2021). Lại Nguyên Ân, Nguyễn Kim Hiền (giới thiệu, sưu tầm, biên soạn)
10.Nữ quyền cho tất cả mọi người (bell hooks, Trần Ngọc Hiếu dịch), 2021
- Bí ẩn nữ tính (Betty Friedan, Nguyễn Vân Hà dịch), 2021
- Yêu sách của Angtigone (Juthdith Butler, Nguyễn Thị Minh dịch), 2021
- Những khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới (Jane Pilcher và Imelda Whelehan, Nguyễn Thị Minh dịch), 2022
- Lịch sử vú (Marilyn Yalom, Nguyễn Thị Minh dịch), 2022
- Rắc rối giới (nhóm Tiên Phong dịch, Đỗ Linh hiệu đính, Nguyễn Thị Minh hiệu đính và chú thích), 2022.
- Xã hội học về bình đẳng giới – tác giả và tác phẩm (Lê Thị Hạnh, 2022)
- Thấy giới (Seeing Gender, Iris Gottlieb, Thục My dịch, 2023) 1. “Vấn đề phụ nữ ở nước ta” trong Phụ nữ tùng thư
Với nội dung biên khảo, Phụ nữ tùng thư tập trung khảo cứu trên nguồn báo chí trong nước đầu thế kỷ XX (Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, Lục tỉnh tân văn, Nam phong, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Phong hóa, Ngày nay.v,v) các bài viết về “vấn đề phụ nữ ở nước ta”, khi vấn đề phụ nữ ở giai đoạn này trở thành một bộ phận quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa đất nước cả trên phương diện xã hội lẫn chính trị/cách mạng. Thông qua việc khảo cứu và xuất bản thành các tập sách, Phụ nữ tùng thư giúp bạn đọc có được hình dung một cách tương đối hệ thống về lịch sử phụ nữ, nữ quyền, phong trào phụ nữ đầu thế kỷ XX ở Việt Nam.
Các tác giả tiêu biểu, có nhiều bài viết về phụ nữ và vấn đề phụ nữ đầu thế kỷ XX là: Phan Bội Châu, Đạm Phương nữ sử, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Đặng Văn Bảy, Phan Thị Bạch Vân, Đào Duy Anh, v.v
Phan Bội Châu (1867-1940), nhà cách mạng đã xem xét vấn đề phụ nữ trong sự tương tác giữa các vấn đề quốc gia/dân tộc với nhân quyền, giới và xã hội, đồng thời ông luôn đề cao vai trò của phụ nữ và coi phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng. Những kinh nghiệm về “phụ nữ vận động” của ông đến nay, sau một thế kỷ, vẫn còn nguyên giá trị: “Phải biết phụ nữ là một hạng người không thể thiếu được ở trong loài người; 2- Phải biết phụ nữ là một suất dân không thể thiếu được ở trong dân nước; 3- Phải biết phụ nữ là một bộ phận rất lớn trong xã hội”, để từ đó xác định rõ “phương châm vận động phụ nữ” gồm bốn điều: “1-Mở mang về đường trí thức cho phụ nữ; 2-Liên kết đoàn thể phụ nữ; 3- Chấn hưng chức nghiệp phụ nữ; 4- Nâng cao địa vị của phụ nữ” (Phan Bội Châu – vấn đề phụ nữ ở nước ta, NXB PN VN, 2018)
Đạm Phương nữ sử (1881-1947) là nhà văn, nhà báo có đóng góp lớn cho các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ (women’s right), đấu tranh cho nữ quyền (feminism) ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. “Vấn đề phụ nữ” mà bà đặc biệt “quan hoài” là các vấn đề về nữ học, trong đó tập trung vào các nội dung: giáo dục phụ nữ, giáo dục gia đình, giáo dục trẻ em, nữ tính, nữ quyền, chức nghiệp của phụ nữ. Bà là nhà tiên phong viết báo, viết sách, thực hành chính các quan điểm mà bà khởi xướng, đề xuất thực hiện. Trên tạp chí Nam phong, bà nhấn mạnh: “Nay cái vấn đề nữ học thật là một sự rất quan trọng thứ nhất trong mấy nghìn năm của nước ta. Nay sự học vấn của con gái là cốt để bổ ích thêm tri thức, tư tưởng cho con người biết lo xa nghĩ rộng”; “Đương buổi phong trào tiến hóa, dân trí khai thông, khoa học mở mang, trình độ thay đổi. Bởi vậy mà sự giáo dục học thức của con trai làm sao, thì của con gái cũng phải có làm vậy” (Trung Bắc tân văn); “Vậy thì bây giờ hô hào nữ quyền ở nước ta chưa phải là muộn. Vì nhân quyền đối với nữ quyền vẫn một dây liên lạc mật thiết với nhau”. Có thể nói, vấn đề “nữ học” luôn được Đạm Phương gắn với nữ quyền, nhân quyền và bà đi vào từng vấn đề cụ thể giúp phụ nữ hiểu thực sự về những nền tảng để làm một người phụ nữ có “quyền” thực sự: phụ nữ phải có tri thức, phải lao động để có tiền tài, thực nghiệp, phải biết cần kiệm, biết trang điểm, phục sức, biết tổ chức cuộc sống, biết giáo dục con cái, biết liên kết hội đoàn, biết sống có nhân cách, biết tham gia đóng góp cho xã hội, nhân quần. Đầu thế kỷ XX, khi phụ nữ Việt Nam vẫn còn chịu nhiều tàn dư của xã hội phong kiến kìm kẹp người phụ nữ, thì những tư tưởng về giới và thực hành giới của Đạm Phương (người phụ nữ xuất thân từ tầng lớp cao của xã hội phong kiến) thực sự mang giá trị tiên phong, góp phần vào cải cách xã hội theo hướng văn minh, hiện đại (Đạm Phương nữ sử – vấn đề phụ nữ ở nước ta, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2018).
Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936): là nhà văn, nhà báo, dịch giả và là người có đóng góp quan trọng trong đời sống văn hóa, chính trị, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông là một trí thức sớm nhận ra vai trò của báo chí, xuất bản và vai trò của ngôn ngữ tiếng Việt trong công cuộc hiện đại hóa văn hóa dân tộc. Với các tờ báo quốc ngữ do ông chủ trương, ông đã tổ chức chuyên mục “Nhời đàn bà”, trực tiếp viết bài, giữ mục và ký tên Đào Thị Loan (con gái ông), “giả giọng” phụ nữ và góc nhìn phụ nữ để khuyến khích phụ nữ hiện diện và cất lên tiếng nói riêng của giới mình trong đời sống xã hội đương thời. Quan điểm về nữ quyền của ông, qua cách nói “khiêm nhường” nhưng ta thấy có nhiều điểm tiến bộ (thậm chí là tiệm cận với nữ quyền hiện đại hôm nay), như việc ông không “phân biệt nam nữ ở mọi nơi” ở một xã hội Việt Nam còn đầy dẫy gia trưởng đầu thế kỷ XX: “Các bạn độc giả cũng biết rằng, chúng tôi không phải những người theo chủ nghĩa nữ quyền. Tại sao ư, vì chúng tôi không phân biệt nam nữ ở mọi nơi, trừ những lĩnh vực liên quan đến giới tính. Một nữ bác học, một nữ trí thức, một nữ nghệ sĩ hay một người phụ nữ thực hiện một công việc bất kỳ, dưới con mắt chúng tôi, chỉ đơn giản là một con người, người mà do ngẫu nhiên, mang một giới tính khác, cái giới tính cũng ngang bằng về mọi mặt với giới tính của phần còn lại”. Xét ở thời kỳ đầu thế kỷ, khi tiếng nói của phụ nữ còn vắng bóng trên các diễn đàn của xã hội, chuyên mục “Nhời đàn bà” trên một số tờ báo do Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương có đóng góp quan trọng trong việc khuyến khích/thúc đẩy phụ nữ mạnh dạn cất lên tiếng nói của giới mình.
Phan Khôi (1887-1959): là một trong những tác gia quan trọng của lịch sử báo chí, tư tưởng, văn hóa Việt Nam thế kỷ XX. Là cây bút chủ lực của tờ báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn (1929) và sau này là chủ bút tờ báo Phụ nữ thời đàm ở Hà Nội (1933-1934), ông đã viết hàng trăm bài báo và sáng tác nhiều tác phẩm đề cập đến “vấn đề phụ nữ” toàn diện, hệ thống: chỉ ra sự bất bình đẳng nam nữ trong xã hội; cổ vũ phụ nữ tham chính (Đàn bà với quốc sự); đề cao vai trò của nữ học (Cái nữ lưu giáo dục), giáo dục gia đình, hôn nhân tự do; khuyến khích nữ công; trân trọng nhân phẩm phụ nữ. Trong phần nội dung Tuyên ngôn của báo Phụ nữ tân văn, ông là người nêu rõ chủ trương: “Phụ nữ tân văn là một cơ quan độc lập, chuyên tâm khảo cứu những vấn đề quan hệ đến đàn bà, tức là quan hệ đến quốc gia, xã hội”, “Phụ nữ tân văn có ích cho cả đàn bà đàn ông, người lớn, trẻ nhỏ, vì trong đó có bàn bạc đủ các vấn đề, trên từ việc xã hội, chính trị, dưới tới những chuyện thường thức gia đình”. Ông kêu gọi tha thiết: “Tình thế phụ nữ ở trong nước ta ngày nay, quyết không phải như là hồi trước, lấy khuê môn làm cửa ngục cho đàn bà, mà việc gánh vác non sông không phải là phần việc của con gái. Cuộc đời ngày một khó khăn, mỗi việc bắt người ta phải dùng đến sức mạnh hay là óc khôn thì mới có cơ sanh hoạt. Chị em ta cũng vậy, không thể nào cứ giữ hoài những hủ tục, thói quen và cái tánh phong lưu, ỷ lại nữa. Nếu có muốn sanh tồn ở đời nầy, thì cũng phải mưu tự lập lấy mình, phải học hành, phải tranh đua, phải tiến bộ mới đặng. Những lẽ đó khiến cho chị em bạn gái chúng ta phải lo tu thân và tiến bộ để làm cho trọn cái thiên chức của mình, và để cho theo kịp người ta mà sanh tồn là vậy” (Phụ nữ tân văn, 1929). Có thể nói, Phan Khôi đã hoạt động như một nhà xã hội học tiên phong, là người thực hành giới một cách thiết thực, hiệu quả. (Phan Khôi – vấn đề phụ nữ ở nước ta, NXB Phụ nữ VN, 2018).
Do khuôn khổ có hạn của bài viết, chúng tôi chưa có dịp đề cập đến các vấn đề về nữ quyền Việt Nam đầu thế kỷ XX của Phạm Quỳnh (1892-1945) trên tạp chí Nam phong, cũng như các bài viết của Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982), tác phẩm Nam nữ bình quyền (1928) của Đặng Văn Bảy (1903-1983), các bài viết của Phan Thị Bạch Vân (1903-1980) và các bài viết của Đào Duy Anh (1904-1988) dưới bút danh “Dã Lan nữ sĩ”, các bài viết của nhóm Tự Lực văn đoàn.v.v đã và đang tiếp tục được công bố dưới dạng các ấn phẩm của Tủ sách Phụ nữ tùng thư.
Với việc điểm qua một số các nhà tiên phong trong phong trào nữ quyền đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, ta có thể thấy được phần nào bức tranh chung của quá trình chuyển mình, hiện đại hóa để Việt Nam hòa nhập với dòng chảy chung của thế giới, đồng thời thấy được một phần quan trọng của lịch sử phụ nữ Việt Nam, lịch sử nữ quyền Việt Nam. Tủ sách Phụ nữ tùng thư giúp chúng ta có căn cứ để hệ thống hóa các vấn đề của phụ nữ và phong trào phụ nữ Việt Nam trong tiến trình chung của lịch sử dân tộc Việt Nam.
- Một số tác gia tác phẩm nghiên cứu về giới được dịch thuộc Tủ sách Phụ nữ tùng thư
Mảng sách dịch thuật của Phụ nữ tùng thư đã giới thiệu được một số các tác gia và tác phẩm nghiên cứu về giới đáng chú ý: Đó là tác phẩm Nữ quyền cho tất cả mọi người (Feminism is for Everybody) của bell hooks, giáo sư ngành Nhân văn và Nghệ thuật, từng làm việc ở nhiều đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, nhà tư tưởng nữ quyền, nhà giáo dục học, nhà hoạt động xã hội. Bà đã viết cuốn sách với mục đích lan tỏa rộng rãi những nhận thức đúng đắn về nữ quyền luận, mà theo bà “đó là một phong trào tư tưởng và xã hội nhằm chấm dứt tất cả những hình thức của định kiến giới, bóc lột và đàn áp giới”. Cuốn sách thực sự là một cuốn cẩm nang diễn giải các nội dung của nữ quyền vốn được coi là lĩnh vực mang đầy tính hàn lâm, học thuật thành các kiến thức mang tính phổ thông, đại chúng.
Phụ nữ tùng thư đã dịch và giới thiệu 02 cuốn: Yêu sách của Antigone (Antigone’s claim) và Rắc rối giới (Gender’s Troubles) của tác giả Judith Butler. Bà là triết gia, là nhà nghiên cứu có ảnh hưởng hàng đầu hiện nay trên thế giới. Câu nói nổi tiếng của bà: “Cuộc đời đáng sống hơn khi ta không bị giam cầm trong những phạm trù không phù hợp với mình, những phạm trù áp đặt và lấy đi tự do của mình”. Bà luôn ủng hộ một cuộc đời đáng sống dành cho con người (đặc biệt là phụ nữ; người không theo quy chuẩn giới thông thường; người thuộc nhóm thiểu số về tính dục). Cuốn sách Yêu sách của Angtigone được cho là “một trong các tác phẩm quan trọng nhất của giới học thuật trong 50 năm qua” và “một cách đọc như thế về một văn bản cổ điển chỉ khoảng 2500 năm mới xuất hiện một lần”. Đây cũng đồng thời là cuốn sách khó về học thuật song lại có tác động mạnh mẽ đến cuộc đấu tranh về giới, về quyền của các nhóm thiểu số/yếu thế và đã có các tác động đến các nhà hoạch định chính sách.
Trào lưu nữ quyền lần thứ hai được Phụ nữ tùng thư giới thiệu với tác phẩm Bí ấn nữ tính (The Feminine mystique) của Betty Friedan. Đây là cuốn sách quan trọng của phong trào nữ quyền lần thứ hai, và là “cuốn sách quan trọng nhất thế kỷ XX. Betty Friedan với phụ nữ hệt như Martin Luther King với người da đen”; “Cuốn sách tiếp thêm năng lượng cho sự tái trỗi dậy của phong trào nữ quyền bằng việc mô tả “những vấn đề không tên”: những niềm tin và thể chế ấm ỉ, những thứ đã hủy hoại lòng tự tin về khả năng tri thức của phụ nữ và giữ họ ở gia đình”, nó không ngừng cảnh giác đàn ông, đàn bà những vấn đề cơ bản về sự bình đẳng và cam kết cá nhân.
Lịch sử vú (A history of the breast) của Marilyn Yalom là công trình mở đầu cho nghiên cứu liên ngành về cơ thể. Cái nhìn liên ngành giúp người đọc có hình dung khá toàn diện về một bộ phận thân thể đã được diễn ngôn của các lĩnh vực khác nhau kiến tạo như thế nào. Từ đó ta hình dung ta được diện mạo của vú trong văn hóa phương Tây. Lịch sử vú, vì thế là lịch sử của văn minh. Từ việc phân tích các ý nghĩa được kiến tạo này, cuốn sách đã đưa ra các quan điểm nữ quyền sâu sắc và táo bạo chỉ rõ việc “triều đại dương tượng” đã kiến tạo và áp đặt như thế nào lên bộ phận vốn thuộc về phụ nữ mà phụ nữ hầu như không được làm chủ.
Các khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới (Key concepts in gender studies) của tác giả Janen Pilcher và Imelda Wheleman cung cấp khá đầy đủ các khái niệm trong nghiên cứu giới hiện đại hiện nay. Cuốn sách có thể coi là cuốn cẩm nang tham khảo quan trọng cho các ngành nghiên cứu giới, xã hội học, lý luận văn học,… ở Việt Nam; cuốn sách xứng đáng là “một giáo khoa thư dành cho các học giả và sinh viên để định vị quá trình tiến triển của các khái niệm mới trong nghiên cứu giới và khoa học xã hội có tính liên ngành” (Meena Gopal, Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ, Đại học Phụ nữ SNDT, Mumbai, Ấn Độ).
Xã hội học về bình đẳng giới – tác giả và tác phẩm (Lê Thị Hạnh, 2022): giới thiệu các nhà hoạt động xã hội nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực nữ quyền, bình đẳng giới và các tác phẩm, tư tưởng nổi bật của họ; góp phần làm nên các cuộc cách mạng giải phụ nữ và phát huy tiềm lực to lớn của phụ nữ.
Thấy giới (Seeing Gender, Iris Gottlieb, Thục My dịch, 2023): chia sẻ các kiến thức về giới và thực tế câu chuyện chuyển giới của tác giả, từ đó cung cấp các góc nhìn nhân văn, tôn trọng sự khác biệt…
III. SỰ ĐÓN NHẬN CỦA GIỚI TRẺ VÀ GIỚI NGHIÊN CỨU ĐỐI VỚI TỦ SÁCH PHỤ NỮ TÙNG THƯ THÔNG QUA KÊNH TRUYỀN THÔNG MẠNG XÃ HỘI (Quan sát ban đầu thông qua một số buổi truyền thông giới thiệu sách online trên kênh fanpage của NXB Phụ nữ Việt Nam)
- Với giới trẻ
Phát huy các thế mạnh của truyền thông thời đại kỹ thuật số, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã đẩy mạnh các hình thức truyền thông giới thiệu Tủ sách Phụ nữ tùng thư trên kênh fanpage của Nhà xuất bản và đã đạt được các thành công bước đầu đáng trân trọng. Mỗi buổi giới thiệu các ấn phẩm mới của Tủ sách đều được khá đông bạn đọc quan tâm, trong đó phần lớn là các bạn trẻ. Chẳng hạn sự kiện giới thiệu sách Nữ quyền cho tất cả mọi người – một cái nhìn đa chiều về bình đẳng giới: lượt người tham gia qua zoom là 268 người, livestream fb tiếp cận 5,5 nghìn lượt; 2,6 nghìn lượt xem; sự kiện Yêu sách của Antigon và cuộc đối thoại của Nữ quyền: lượt người tham gia qua zoom là 42 người, livestream fb tiếp cận 5,2 nghìn lượt, 2,6 nghìn lượt xem; sự kiện Bí ẩn nữ tính – Bản tuyên ngôn của làn sóng nữ quyền thứ 2 trong thế kỷ XX: lượt người tham gia qua zoom là 58 người, livestream fb tiếp cận 6,3 nghìn lượt, 3,2 nghìn lượt xem; sự kiện Cơ thể, diễn ngôn và hình ảnh: một đối thoại từ “Lịch sử vú”: lượt người tham gia qua zoom là 64 người, livestream fb tiếp cận 3,7 nghìn lượt,1,9 nghìn lượt xem. Các buổi giới thiệu sách diễn ra sôi nổi, nhiều bạn trẻ chủ động giao lưu đặt câu hỏi chuyên sâu và các câu hỏi phản biện, cùng với đó và một số nội dung tranh luận giàu tính học thuật. Các bạn trẻ cũng là người chủ động tìm mua sách, đọc sách trước buổi giao lưu; có bạn sưu tầm các bản sách phiên bản đặc biệt, có bạn sưu tầm đủ bộ sách của Phụ nữ tùng thư; có bạn đọc sách xong trực tiếp viết chia sẻ về sách, chụp ảnh với sách, lan toả sách; thậm chí có bạn trẻ là nam giới nhắn tin chia sẻ: “Chị ơi, sau này e sẽ nuôi dạy con gái em theo tinh thần nữ quyền”; có giảng viên trẻ chia sẻ: “từ khi tôi đọc các sách của Judith Butler xong, tôi không còn nghĩ mình là nữ hay nam, giới tính không còn là quan trọng mà quan trọng là sự tôn trọng sự khác biệt”; có các bạn phóng viên trẻ xây dựng hẳn các bài longform cho các ấn phẩm của Tủ sách; đặc biệt là khá nhiều các trang mạng chia sẻ các bài viết giới thiệu sách của Phụ nữ tùng thư. Nhìn chung, các bạn trẻ chủ yếu là sinh viên hoặc các nhóm sinh viên; các bậc cha mẹ trẻ cấp tiến; nhân viên văn phòng; phóng viên báo/đài; các nhà nghiên cứu, các giảng viên trẻ các trường đại học, các facebooker, Tiktoker (KOLs). Một số câu lạc bộ, các tổ chức hoạt động về giới như VOGE, Nhà nhiều cột, Mirror Mirror, và một số câu lạc bộ đọc sách tại các trường đại học, THPT,v.v đều đã có liên hệ để phối hợp các hoạt động cùng Nhà xuất bản Phụ nữ VN và Tủ sách Phụ nữ tùng thư.
- Với giới nghiên cứu
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực các trường đại học của Việt Nam, đặc biệt là các trường thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các vấn đề về giới được các giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ khá quan tâm. Các hoạt động nghiên cứu và dịch thuật gắn với vấn đề về giới, triết học, xã hội hội, lý luận văn học, được khuyến khích trong các giảng viên như một sự tìm tòi, đổi mới và cập nhật với các trào lưu, xu hướng nghiên cứu liên ngành, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hiện nay trên thế giới. Một số nghiên cứu viên trẻ (và các cộng sự) thuộc Viện Văn học là tác giả của mảng khảo cứu; một số giảng viên trẻ đồng thời là dịch giả (TS. Nguyễn Thị Minh, TS. Trần Ngọc Hiếu,v.v) của các ấn phẩm thuộc mảng dịch thuật của Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Giới và Phát triển). Họ cũng đồng thời là các diễn giả chia sẻ các nội dung của buổi giới thiệu sách online.
Bản thân Tủ sách Phụ nữ tùng thư của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, ngoài nhóm cố vấn ở nhiều độ tuổi khác nhau, thì các tác giả triển khai chính Tủ sách là các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ là nhóm nòng cốt. Chính các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ đã thay đổi cách làm việc theo hướng tăng cường tương tác và lan tỏa các giá trị về nghiên cứu giới, về nữ quyền hiện đại hoặc về các cách thực thực thi bình đẳng giới hiện nay. Dịch giả TS. Nguyễn Thị Minh (dịch giả, người hiệu đính của các ấn phẩm sách dịch của Tủ sách Phụ nữ tùng thư) cũng đồng thời là người đồng sáng lập “The ladder – Không gian học thuật cho cộng đồng”, một không gian kết nối, chia sẻ của những người yêu mến tri thức, với “mong muốn làm cho các tri thức hàn lâm trở nên gần gũi, và đến với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam”. Chị cùng các đồng nghiệp thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ về nghiên cứu giới với các bạn trẻ.
Các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và TP HCM, ĐH Sư phạm Huế, Đại học Thái Bình Dương, ĐH FPT và một số đại học tư thục, v.v đều quan tâm đến vấn đề giới và phát triển. Các giảng viên tại các trường Đại học công và tư trên đều là các cộng tác viên nhiệt tình giới thiệu các ấn phẩm thuộc Tủ sách Phụ nữ tùng thư đến đông đảo các bạn trẻ (đặc biệt là các bạn sinh viên) quan tâm đến bình đẳng giới và các hướng nghiên cứu về giới/nữ quyền.
- Với thị trường sách
Các đề tài sách chuyên sâu nói trên đều có tín hiệu thị trường khả quan: được nối bản, tái bản, làm phiên bản sách đẹp để bạn yêu sách có thể sưu tầm. Đặc biệt, Tủ sách cũng giúp Nhà xuất bản có tệp khách hàng là các bạn đọc có chuyên môn sâu, có uy tín trong lĩnh vực sách tri thức nền tảng. Đây là cơ sở để Nhà xuất bản tiếp tục đầu tư mảng sách khó và đầu tư cho công tác truyền thông giới thiệu sách tri thức nền tảng đến với đông đảo bạn đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí. Chúng tôi kỳ vọng: Mảng sách chuyên sâu cũng là mảng sách mang lại doanh thu tốt cho các đơn vị làm xuất bản.
III.KẾT LUẬN
Có thể nói, Tủ sách Phụ nữ tùng thư (Giới và phát triển) có thể coi là những cuốn sách thuộc mảng tri thức nền, giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện và hệ thống về một vấn đề thuộc khoa học nhân văn hiện nay đang được quan tâm, đó là vấn đề Giới và Phát triển, trong đó có vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam và thế giới. Tủ sách cũng là một “tùng thư” giới thiệu, công bố và lưu trữ các tài liệu về vai trò và đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc trên mọi phương diện chính trị – văn hóa – xã hội – kinh tế…, từ đó có thể giúp các nhà làm chính sách có thể xây dựng các chính sách phát huy tốt nhất tiềm năng và thế mạnh của phụ nữ, giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam phát triển hài hòa, bền vững.
Trong quá trình xuất bản, Tủ sách Phụ nữ tùng thư đã nhận được đánh giá cao của bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ và các nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, những người làm công tác phụ nữ,… Mỗi ấn phẩm khi xuất bản đều được bạn đọc háo hức mong chờ và đăng ký đặt sách trước. Tủ sách đã tạo được một trào lưu quan tâm tìm đọc các sách về nữ quyền, triết học về Giới (một lĩnh vực mới mẻ hiện nay trên thế giới). Với những kết quả tiếp nhận khả quan trên từ giới trẻ đối với Tủ sách Phụ nữ tùng, chúng tôi hy vọng rằng trong giai đoạn tới đây, Tủ sách sẽ ngày càng phát triển và có đóng góp nhất định cho công tác nghiên cứu và phổ biến các kiến thức về giới/bình đẳng giới ở Việt Nam; tác động chính sách về Giới có hiệu quả, góp phần xây dựng xã hội văn minh.
- ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
- Từ trường hợp thành công ban đầu của Tủ sách “Phụ nữ tùng thư” (Giới và phát triển) của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam thông qua việc đẩy mạnh truyền thông mạng xã hội, chúng tôi kiến nghị: Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam cần đề xuất Nhà nước đầu tư ngân sách cho việc xây dựng Chiến lược phát triển sách tri thức nền tảng và Quỹ phát triển sách tri thức nền tảng, đồng thời với đó là cấp ngân sách để truyền thông mạnh các sách thuộc mảng sách tri thức nền tảng này nhằm nâng cao dân trí thông qua hoạt động xuất bản; khuyến khích các đơn vị xuất bản đầu tư làm sách khó, sách chất lượng cao, sách tri thức nền tảng. Các sách khó hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm kinh doanh có tiềm năng nếu biết cách khai thác đề tài, tổ chức bản thảo và đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu sách.
- Bộ Thông tin và Truyền thông cần quan tâm chỉ đạo xây dựng các Đề án có thể dùng ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động Chuyển đổi số của ngành Xuất bản, lựa chọn các ưu tiên để đầu tư: đầu tư ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin phục vụ công tác truyền thông, bán hàng và phát triển sàn thương mại dùng chung của ngành Xuất bản.
- 3. Hội Xuất bản Việt Nam cần quan tâm đầu tư đào tạo chất lượng nguồn nhân lực của các đơn vị là hội viên của Hội, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá của ngành Xuất bản: ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến đi cùng với con người có khả năng làm chủ công nghệ.