Chuyến tàu Mùa thu – phần 2: Chữ quốc ngữ trong việc dịch Truyện Kiều của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Buổi gặp thứ ba.

Lần này tôi vẫn có hẹn với trường Quốc tế song ngữ EMASI, nhưng nằm bên quận Thủ Đức, mang tên EMASI – Vạn Phúc.

Chủ đề chúng tôi dự định có phần cụ thể hơn, nếu so với đề tài bao trùm của hoạt động, là‘Vẻ đẹp của chữ viết tiếng Việt trong văn hóa Việt Nam’, đó là: Chữ quốc ngữ trong việc dịch Truyện Kiều của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Cuốn Truyện Kiều do Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ chữ Nôm ra Quốc ngữ và phát hành lần thứ nhất 1913 tại Hà Nội. Cuốn Truyện Kiều giới thiệu trong các buổi thuyết trình được in năm 1915

Nói công bằng, đây là đề tài quá lớn đối với học sinh cấp hai, nên khi đứng trước các em học sinh của một môi trường giáo dục hiện đại và mới nhất ở Việt Nam, nơi luôn coi tiếng Anh là mục tiêu đào tạo, và phải đạt đến kết quả như… tiếng Việt, thì cái nội dung dự kiến truyền đạt của tôi có hợp lý không?

Tôi là kẻ không quan tâm lắm đến chuyện đúng…sai ở đời, nhưng luôn phấn đấu để thực hiện mọi việc ở mức độ hợp lý. Vì đúng với người này, chưa hẳn sẽ là đúng với kẻ khác, nhưng chứng minh được tính hợp lý của bất kỳ hành động nào, bất kỳ sự việc nào, sẽ là điều dễ dàng được công chúng chấp nhận, còn họ có công nhận hay không…? Chuyện đó sẽ có các nhân tố khác quyết định. Tôi luôn tâm niệm điều Nguyễn Văn Vĩnh đau đáu trong cuộc chiến khai minh từ cả 100 năm trước, rằng hãy học cách tư duy lôgic của người châu Âu!

Lại một lần nữa tôi choáng ngợp trước toàn cảnh (panorama) của cơ sở vật chất của trường EMASI – Vạn Phúc. Cái tâm lý này đã mách bảo tôi rằng, trước đối tượng sống và làm việc ở môi trường hiện đại này, hãy trình bày những gì phù hợp, khoa học nhưng đừng ‘bác học’. Hãy nói gọn, giản dị, cụ thể, chính xác, đừng dùng nhiều từ ngữ hình tượng và mang tính học thuật (đành rằng tôi cũng có trình độ học thuật đâu). Quan trọng, là phải chịu trách nhiệm về nội dung diễn giải trước các giáo viên và học sinh có mặt.

Tôi chủ động nhắc lại nội dung vào chi tiết nguồn gốc ra đời của Quốc ngữ, lý do không phát triển suốt hơn 250 năm của chữ viết tiếng Việt dùng ký tự La Tinh. Nêu những nhân sĩ nổi tiếng người Việt nào đã đấu tranh, vật lộn với mọi cản trở lịch sử của tất cả các thế lực từng bài xích, phản đối chữ quốc ngữ trong quá khứ… Và, đối tượng của tôi, những học trò lấy tiếng Anh làm chuẩn đều muốn giỏi ngoại ngữ, đặt tôi phải chứng minh được với các em, rằng để giỏi ngoại ngữ, nhất thiết phải giỏi tiếng và chữ mẹ đẻ. Tôi phải dẫn chứng được, chữ mẹ đẻ của chúng ta hay như thế nào? Đẹp như thế nào? Đáng trân trọng như thế nào…? Thì đây, thưa các bạn!

Các giáo viên của trường EMASI – Vạn Phúc chụp với diễn giả

Tôi không dám thao thao dẫn giải, vì như đã nói, thời gian rất ít ỏi. Hai mươi phút cuối của buổi thuyết trình, tôi khích lệ các em đặt câu hỏi. Tôi không dám hỏi các em, rằng: ‘Các em thấy tôi trình bày có đúng không? Có hiểu không…?’. Hỏi thế thật áp đặt, ép người nghe phải nói có, trong khi họ còn đang cân nhắc, thậm chí nghi ngại, và quá khó để các em phản ứng một cách cởi mở.

Tôi đề nghị bằng một tông giọng thân thiện:‘Các em có muốn hỏi gì không? Các em có thấy chữ viết của chúng ta rất trẻ không? Các em có đồng ý là học tiếng TQ rất khó không? Và học chữ viết chúng ta đang dùng dễ hơn phải không?….’.

Diễn giả đứng bên phông tờ báo Đăng Cổ

Tôi lại nhấn mạnh, việc chúng ta gặp nhau nói về chữ viết mẹ đẻ hôm nay, thì vừa đúng 100 năm trước, thứ chữ này mới được đưa vào dạy ở các lớp tiểu học thay thế chữ Hán, nhờ việc Triều đình Nhà Nguyễn chính thức bãi bỏ lối học khoa cử, từ chương (thuộc lòng), phương thức của nền giáo dục Nho học Phong kiến….

Không có thứ hạnh phúc nào giống thứ hạnh phúc nào, tôi nghĩ vậy. Nhưng hạnh phúc của một kẻ khi tiếp xúc với trẻ em, được các em lắng nghe, được các em sôi nổi đặt câu hỏi, vì sao…tại sao…ai là người…. Trong một bầu không khí cởi mở, tự nhiên. Rõ ràng, tôi nhận thấy có cả sự thích chí về mặt nào đó, trước những điều các em vừa được nghe hình như lần đầu, nó có vẻ mơi mới, và là lạ. Tôi đồ rằng, có cả một vài giáo viên cũng hơi giật mình về một vài chi tiết tôi nêu. Phàm cái gì gần người ta quá, lại vốn có sẵn từ lâu, người đời không thấy nó lạ, trừ khi có ai đó nhắc đến nguồn gốc, xuất xứ, lý do nó ra đời….

Tôi đã đính chính khi phát hiện thấy có em ngờ ngợ, rằng nghĩ ra chữ Quốc ngữ sao lại là các ‘cha’? Có em hiểu là cha, mẹ. Khi tôi nói rõ là các vị cha cố đạo, có em đã vui sướng chỉ vào ngực và nói: “Em cũng là công giáo”!

Cô Phó Hiệu Trưởng của trường Quốc tế song ngữ EMASI – Vạn Phúc, thay mặt Nhà trường và học sinh, cảm ơn với những lời lẽ chân thành, và tặng tôi bó hoa đẹp trong tiếng vỗ tay nhiệt tình. Tôi tin, tiếng vỗ tay của các em là nhiệt tình, vì các em không phải người lớn, khách sáo đôi khi.

Bỗng cô Phó Hiệu trưởng im lặng vài giây… Tôi bất giác hiểu rằng, cô muốn tỏ thái độ với một vài em đang thiếu bình tĩnh vì đã quá giờ xe buýt đón. Sự im lặng của cô Hiệu Phó, làm cả hội trường im phăng phắc, tuyệt nhiên không có mảy may nửa lời ra lệnh hay lưu ý của thầy cô giáo nào đang có mặt…

Diễn giả Nguyễn Lân Bình tặng 6 cuốn sách do mình là chủ biên có nội dung về học giả Nguyễn Văn Vĩnh, cho cô Hoàng Thị Diễm Trang, Phó Hiệu trưởng trường EMASI – Vạn Phúc

Chứng kiến giây phút đó, tôi thương các em và ân hận, vì tại mình đã đến muộn do đi từ quận 7 sang Thủ Đức, đường thật xa và đông, làm mất của các em vài phút. Tội nghiệp, trẻ con mà…. và tôi kính trọng cách các thầy cô giáo của EMASI – Vạn Phúc, trong cách dạy bảo tính tương tác, tôn trọng lẫn nhau giữa học sinh và giáo viên, mà tôi được thấy tận mắt trong buổi gặp gỡ hôm đó.

Chia tay các em, tiễn tôi ra cổng, thầy Trí Nhân bảo tôi:

“Chú Bình ơi, hôm nay hay quá… Mà chú phải chụp một cái ảnh ngoài cổng trường để kỷ niệm chứ?!”.

Diễn giả Nguyễn Lân Bình chụp tại mặt trước ngôi trường EMASI – Vạn Phúc

Rời ngôi trường EMASI – Vạn Phúc, thầy Nhân lại tất tả đưa tôi bằng xe máy ra bến xe đi xuống Bà Rịa, nơi tôi có hẹn để trò chuyện vẫn với đề tài ‘Vẻ đẹp của chữ viết tiếng Việt trong văn hóa Việt Nam’.

Tôi và thầy Trí Nhân chia tay nhau, hẹn một ngày nào đó gặp lại… Tôi yên tâm lên xe ngồi. Được vài phút, bỗng thầy Trí Nhân lại xuất hiện, thầy nói:

“Chú cầm một chút đồ này ăn tạm, vì đã muộn lắm rồi mà đường còn xa chú ạ….”.

Tôi bật cười vì sự chu đáo đến thân tình của thầy Nhân. Tôi sung sướng vì được người khác chăm sóc.

Tôi cảm ơn Nhân, trong lòng dồn lên thứ tình cảm biết ơn. Tôi nghĩ đến câu ‘Làm ơn đừng bao giờ nhớ, chịu ơn chớ bao giờ quên’ mà tôi học được từ hồi còn trẻ, cho dù chẳng phải khi nào tôi cũng thực hiện được.

Học sinh trường EMASI xin chữ ký diễn giả

Buổi gặp cuối cùng của hành trình Chuyến Tàu Mùa Thu.

…. Chiếc xe buýt dừng tại bến xe Bà Rịa. Tôi đợi không quá 10 phút, một chiếc xe màu trắng lao vào bến, đứng đối diện nơi tôi đứng chờ. Mở cửa xe, người thanh niên đã giơ tay về phía tôi, hình như, rõ ràng như chúng tôi biết nhau từ trước rồi…?!

Anh Minh chủ động đưa đồ đạc của tôi lên xe. Ngồi vào xe, chúng tôi mới chào nhau bằng cái bắt tay thân mật. Minh tự giới thiệu là chồng của Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Win Win English center tại thành phố Bà Rịa.

Minh hỏi tôi có đói lắm không…? Cháu đưa chú đi ăn tối nhé! Chú thích ăn gì…?

Chúng tôi vào một quán ăn đơn giản, tuyệt nhiên tôi cũng không muốn ăn uống cầu kỳ làm gì, vì đã hơn 8 giờ rưỡi tối rồi.

Trong những món tại quán ăn, tôi tò mò thấy một thứ không phải tôi chưa ăn bao giờ, mà tôi không tin rằng họ sẽ làm được, bởi lẽ con cá khoai ở ngoài vùng biển phía Bắc, nhất là vùng Diêm Điền Thái Thụy, Thái Bình, người dân chỉ để nấu canh cà chua thôi, vì thịt nó trong, xương cá như sụn và tan ra ngay khi cho vào nước nóng. Nhưng hôm nay, tôi thấy ở đây có món cá khoai rán….

Tôi lấy một lon bia để nhắm với đĩa cá khoai rán. Thưa các bạn, lần đầu tiên tôi đến Bà Rịa, và cũng lần đầu tiên được ăn cá khoai rán. Hay… các bạn ạ! Họ đã khéo léo biến thịt cá khoai được cắt khúc, thành một thứ nhân khi họ bao bột và đem rán. Chấm với tương ớt, thật thú vị. Cảm ơn người dân Bà Rịa về sáng kiến rất lạ này!

Ăn xong, lên xe Minh nói:

“Vì chú đến đây lần đầu, cháu phải đưa chú đi một vòng, để giới thiệu với chú cái thành phố bình yên này!”.

Tôi cũng muốn, mặc dù thực sự thể trạng đã có những biểu hiện suy thoái, mắt hơi díp lại sau một ngày khá căng thẳng do di chuyển.

Quả thật, Bà Rịa quá vắng vẻ, yên bình và sạch sẽ, lý do mà Minh khẳng định với tôi rằng, chúng cháu không muốn sống ở Sài Gòn vì ở đó nó ngược lại.

Sáng hôm sau, 7h00, tôi đi bộ ra phố. Ôi… tôi mới giật mình, vì không phải Bà Rịa chỉ vắng vẻ vào buổi tối như tôi thấy, mà lúc này đây cũng vậy. Tôi chụp bức ảnh tại một ngã tư rộng và gửi đi cho một số người thân với chú thích:

‘Trung tâm thành phố Bà Rịa lúc 7h00 sáng – Hà Nội sáng ngày mồng Một Tết Nguyên Đán’.

Bà Rịa lúc 7h00 sáng ngày thứ Hai 16/9/2019

Hơn 8 giờ, cô Ngọc Bích, Giám đốc Win Win tới mời tôi đi thăm quan cơ sở đào tạo do mình điều hành với phương thức dạy và học tiếng Anh theo cách riêng. Vợ chồng Ngọc Bích và Đức Minh đều đã được may mắn tu nghiệp tại London nước Anh, có lẽ nhờ thế mà họ có cách tư duy giáo dục khác chăng?!

Ngọc Bích đưa tôi đến Học viện Bóng đá JUVENTUS, nơi mà chiều nay chúng tôi sẽ có buổi thuyết trình cho các học viên của Học viện với đề tài: Muốn giỏi ngoại ngữ, điều đầu tiên là phải giỏi tiếng mẹ đẻ. Chủ đề này do tôi nêu trong trao đổi trước với Ngọc Bích qua điện thoại, và cô Ngọc Bích đã rất tâm đắc, thích thú.

Khi gặp Ngọc Bích, cô giãi bày với tôi:

“Cháu muốn giúp các em hiểu, để giỏi được tiếng Anh không phải khó lắm, nhưng để giỏi tiếng Việt, rồi qua ngôn ngữ và chữ viết, các em sẽ tiếp thu được nhiều hơn những kiến thức khác nhờ đọc và viết, và với các em, điều đó cũng quan trọng không thua gì việc giỏi bóng đá, giỏi tiếng Anh!

Cháu hướng các em đến nhận thức, sự nghiệp bóng đá dù có thành công, vẻ vang đến đâu, nhưng đây là một nghề bị giới hạn rất nhiều bởi thể chất khi tuổi cao lên. Để cuối cùng, các em sẽ vẫn sẽ phải trở lại với cuộc sống đời thường như bao người khác, nhưng lúc đó khi tuổi đã 30 – 35, việc tiếp thu hoặc học một điều gì đó phục vụ cho cuộc sống hàng ngày sẽ rất khó khăn. Vì vậy, cháu cùng với Học viện, phải giúp các em trang bị kiến thức, kỹ năng sống từ bây giời, mà muốn vậy, cháu đã mời nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đến giúp thực hiện chủ trương này, trong đó có chú!”.

Tôi hài lòng và khâm phục cách suy nghĩ cô Ngọc Bích trao đổi, nhưng không quên khẳng định: “Tôi không phải là chuyên gia đâu nhé!”. Nói vậy, nhưng trong lòng thấy thật bõ công để bay từ Hà Nội vào đây.

Cô Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Win Win English center – Bà Rịa đứng đầu tiên bên phải

Khi gặp gỡ với ông Đinh Hồng Vinh, Giám đốc của Học viện, ông cũng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng và quyết tâm toàn diện trong việc đào tạo các học viên của mình, đặc biệt là các cháu chỉ đang ở lứa tuổi từ 10 đến 14.

Nguyễn Lân Bình và Giám đốc Học viện Bóng đá Đinh Hồng Vinh trong nhà ăn của Học viện dành cho các học viên

Nhờ tán thành quan điểm giáo dục của cô Ngọc Bích, cộng với những bộc bạch của ông Giám đốc Hồng Vinh, nên tôi đã đặt nội dung buổi nói chuyện với các em học viên của Học viện ở tầm khái quát hơn chủ đề dự kiến, và tôi thốt lên rằng: Một cầu thủ giỏi, không chỉ chơi bóng bằng chân….

Khi thấy tôi nêu quan điểm này, cả ông Hồng Vinh và cô Ngọc Bích đều tỏ ra vui mừng trước sự đồng điệu trong nhận thức của cả ba người chúng tôi, về nội dung và mục đích của buổi trao đổi sẽ tổ chức chiều nay với các học viên của Học viện Bóng đá JUVENTUS – VIỆT NAM.

Tôi được ông Hồng Vinh đưa đi giới thiệu toàn bộ cơ sở vật chất của Học viện, từ các phòng chức năng, mặt sân bóng đá, khán đài, đến nhà ăn, khu ký túc xá, khu giải trí… tất cả đều theo tiêu chuẩn Quốc tế. Tôi chỉ biết lẩm bẩm: Tuyệt vời, lý tưởng!

Sân vận động Bà Rịa, cơ sở học, luyện tập và sinh hoạt của các học viên Juventus- Việt Nam

Tôi bất giác nhớ đến câu nói trong một cuốn sách đã đọc, khi tác giả lo lắng, viết về một xã hội thiếu cân đối trong việc xây dựng cơ sở vật chất, chưa song hành với việc giáo dục những công dân thành con người văn minh, tiến bộ, ông đã thốt lên khi nhìn thấy những công trình tráng lệ mới hoàn thành rằng: “Ôi những ngôi nhà xây xong rồi, mà con người thì còn dang dở….”.

Tôi quay sang nhắc lại câu văn này với cô Ngọc Bích, và tôi nói:

“Cầu chúc cho Học viện và Trung tâm của cô sẽ thành công trong việc xây dựng những con người là cầu thủ có chất lượng như cơ sở vật chất này!”.

Bể bơi trong Học viện Juventus – Việt Nam dành cho các học viên

Đúng giờ, tôi có mặt tại nơi diễn ra buổi gặp gỡ. Tâm trạng của tôi sao nó thật nhẹ nhàng, thư thái khi thấy các em xuất hiện. Với những cử chỉ bình thản trong trạng thái hồn nhiên, các em không lấm lét, rụt rè, mà cũng không ồn ào ngạc nhiên, các em đã làm tôi ấn tượng vì sự thể hiện này.

Khác với những buổi tiếp xúc với học sinh của trường Quốc tế AMASI – Nam Long và Vạn Phúc, ở đó, khi tôi đến, các em đã ổn định chỗ ngồi trong hội trường. Ở đó, tôi không được chứng kiến cảnh các em lũ lượt nối đuôi nhau vào lớp, tôi không được bắt gặp những cảm xúc ban đầu thể hiện qua ánh mắt khi chạm mặt lần đầu với người lạ như trường hợp ở đây, Học viện Bóng đá.

Buổi gặp gỡ với các học viên bóng đá bé, có đầy đủ Ban Giám đốc của Học viện, cùng cả các cô bảo mẫu, chi tiết làm tôi luôn thận trọng khi phát biểu, nói làm sao không phải chỉ dành cho một loại đối tượng. Đó là chưa kể đến sự có mặt của thầy Hiệu Trưởng trường Trần Đại Nghĩa Bà Rịa, là khách mời danh dự của buổi gặp.

Câu chào của tôi là: “Chào những người ‘đàn ông bé’, thưa các anh, các chị….”.

Tôi nghĩ, cái từ ‘đàn ông’ nó còn có cả giá trị tâm lý đáng kể, khi người đời thường bảo nhau: Đàn ông mà, phải mạnh mẽ lên chứ….

Tôi dẫn giải với các em bằng chính cái nguyện vọng cao quý của Ban Lãnh đạo Học viện và cô Giám đốc Trung tâm tiếng Anh Win Win, rằng một cầu thủ giỏi, không phải chỉ biết đá bóng giỏi, mà còn cần là một người đàn ông hiểu biết, có tri thức, có trí tuệ. Để có được tri thức, nhất thiết phải đọc, mà muốn đọc được, người ta phải có chữ, trong khi dân tộc Việt chúng ta, bị ngoại bang xâm chiếm hàng ngàn năm, nhưng chúng ta có con chữ riêng được gọi là Quốc ngữ, thứ chữ đã giúp chúng ta khẳng định, chúng ta đã không bị đồng hóa bởi phong kiến Trung Hoa, và gần một trăm năm với người Pháp Thực dân.

Sự chăm chú theo dõi của các em, đã làm cho tâm lý tôi thêm tự tin, rằng điều mình đang nói được các em chăm chú nghe thật, làm các em quan tâm thực.

Tôi dẫn chứng những câu chuyện cổ, những cuốn sách cổ và mới, nền tảng của văn hóa đọc, nền tảng của việc xây dựng nhân cách con người nhờ việc đọc sách, tư tưởng xuyên suốt trong sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Tôi muốn các em hoàn toàn tin, rằng việc đọc sẽ đem đến cho các em những cách nghĩ mới, nhờ đọc mới biết và nhớ những quy định của luật bóng đá rằng, thế nào là việt vị, thế nào là phạt trực tiếp, phạt gián tiếp…? Chứ nếu chỉ được thầy hướng dẫn trên sân, sau một ngày nắng gắt, nhiều chi tiết sẽ chảy theo giọt mồ hôi… xuống đất.

Tôi cũng kịp chứng minh với các em, rằng để giỏi một thứ ngoại ngữ, thì nhất thiết phải biết giỏi tiếng mẹ đẻ, chữ mẹ đẻ một cách chính xác, vì nếu không, khi muốn truyền đạt lại với người nào đó, bạn sẽ không tìm thấy những từ ngữ có ý nghĩa phù hợp, điều bạn muốn chia sẻ và lan tỏa sẽ chẳng bao giờ đạt được, nhất là khi lớn hơn một chút… là khi các em có bạn gái…. Các em cười bẽn lẽn, dễ thương quá.

Các học viên trong buổi nghe thuyết trình ‘Cầu thủ giỏi không chỉ chơi bóng bằng chân’

Thời gian trôi thật nhanh khi tất cả đều ở trong tâm lý cuốn hút. Tôi nhìn vào đồng hồ và quyết định dành khoảng thời gian còn lại cho các khán giả của mình. Tôi cũng không nói đề nghị, mà tôi bảo, rằng các em có muốn hỏi gì không về những điều bác vừa trình bày? Các em có thấy những điều bác nói có đúng với cuộc sống hàng ngày của chúng ta không? Các em tự nhiên đi….

Tôi khích lệ các em bằng cả động tác cơ thể của mình khi đi thẳng xuống nơi các em ngồi, tôi cố tình tạo thái độ thân thiện, tự nhiên… Và thật sung sướng khi có em đầu tiên giơ tay… Cứ thế, sự lan truyền tính tò mò được các em đẩy lên thành một nhu cầu được biết, được hiểu, đưa cả hội trường đến không khí của sự sôi nổi.

Trong tâm trạng hạnh phúc, tôi phúc đáp những thắc mắc của từng em. Cũng có em đòi tôi nói rõ hơn, cụ thể hơn… Tôi biết mình đã là cái gì đấy trong con mắt của các em, tôi sung sướng lắm…

Chia tay các em, các em quây lấy tôi, vừa hỏi vừa xin cho cháu được sờ vào cuốn sách cổ này, cuốn truyện Ngụ ngôn của La Phông Ten in bằng tiếng Pháp năm 1921, vô tình được tìm thấy trong nhà của một người cháu họ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Cách in và khổ sách đúng với kích thước của cuốn Truyện Kiều mà Nguyễn Văn Vĩnh dịch lần đầu tiên từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ, xuất bản lần thứ nhất năm 1913 ở Hà Nội.

Các em suýt xoa hỏi, vì sao họ lại in ‘bé’ như thế này?

Cuốn truyện ngụ ngôn in năm 1921 bằng tiếng Pháp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Hồi kết.

Tôi thật lòng cảm ơn những buổi giao lưu đã được sắp đặt từ CLB Book & Friend, cảm ơn dự án Chuyến Tàu Mùa Thu với buổi lễ tổng kết được tổ chức tại trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan VFIS.

Tôi khâm phục những người bạn trẻ, những người đã có ý tưởng, có lòng nhiệt thành với tinh thần đề cao, trân trọng văn hóa. Đặc biệt, giữa lúc xã hội Việt Nam từ nhiều năm qua, bị phê phán gay gắt là một xã hội xuống cấp về đạo đức và nhân phẩm, thiên về lối sống vật chất, ăn xổi.

Những gương mặt làm tôi ấn tượng, là những người tạo nên nhịp sống cho CLB Book & Friend, là những người đã có những hành xử khiến tôi nghiêng mình, như:

  •  Trương Lê Na, sinh 1982, Chủ nhiệm CLB Book & Friend.

Thạc sỹ ngành KHXH, từng là giảng viên đại học, người lái Chuyến Tàu Mùa

           Thu xuyên dọc đất nước, người luôn sống với câu hỏi:

‘Khi nào thì Việt Nam phát triển như Nhật Bản?’.

  • Nguyễn Trí Nhân, sinh 1982, Chủ nhiệm Khoa Sinh học ĐHKH Tự nhiên TP. HCM, người hoa tiêu đưa Chuyến Tàu Mùa Thu tới những khu rừng tri thức, và men theo những đỉnh núi trí tuệ.
  • Đinh Thị Thu Hiền, sinh 1991. Người thư ký mẫn cán, đắc lực của Book & Friend.
  • Nguyễn Tuấn Anh, sinh 1983. C/b quản lý trường VFIS.
  • Tạ Vân Huyền, sinh 1978. Kiến trúc sư, Chủ nhiệm VIETLIFE.
  • Huỳnh Tuấn Anh, sinh 1982, Đạo diễn phim ‘Lô Tô’, ‘Phượng Khấu’
  • Nguyễn Quốc Vương, sinh 1982, tiến sỹ, Chủ đề tài ‘Người bán sách rong’.
  • Nguyễn Trần Thảo Chi, sinh 1984 – Chuyên biên, phiên dịch Anh, Pháp.
  • Nguyễn Thị Thùy Dung, sinh 1990, cử nhân báo chí. Chủ đề tài ‘Ngày ngày viết chữ’.
  • Trần Minh Khoa, sinh 1988, chuyên gia về truyền thông.
  • Quỳnh Hương – sinh 1985, cố vấn về kiến trúc các sản phẩm đề tài văn hóa.

Để chắc chắn về kết quả sau những buổi tiếp xúc với các em học sinh về đề tài:‘Vẻ đẹp tiếng Việt trong văn hóa Việt Nam’, tôi xin được gửi tới các quý vị và các bạn những câu hỏi mà các em đã đặt ra cho diễn giả trong những buổi gặp gỡ, và từ một góc nhìn nào đó, chúng ta biết các em đã nghĩ gì về tiếng mẹ đẻ, chữ viết Quốc ngữ, mà tổng quát lại, đó là phần quan trọng tạo nên bản sắc của nền văn hóa Việt Nam.

  • Trước khi dùng chữ Hán do người Trung Quốc đến, người Việt viết bằng chữ gì? Nói với nhau bằng tiếng gì?
  • Tại sao các cha cố đạo phương Tây lại nghĩ ra được chữ quốc ngữ?
  • Việc nghĩ ra loại chữ viết hiện nay, được thực hiện vào những năm nào? Thế kỷ nào? Cháu muốn biết chính xác!
  • Dựa vào đâu, các cha đạo nghĩ ra được các thanh, dấu trong tiếng Việt, như: sắc, huyền, hỏi, ngã….?
  • Tại sao người mình hồi xưa không lấy chữ Hán hay chữ Pháp làm chữ viết chính thức luôn?
  • Vì sao chúng ta lại phải dùng chữ quốc ngữ?
  • Nguyễn Văn Vĩnh có phải là người nghĩ ra chữ Quốc ngữ không?
  • Vì sao tờ báo tiếng Việt đầu tiên lại có trang nhất viết bằng chữ Hán?
  • Vì sao những cuốn sách in ngày xưa lại có kích thước nhỏ như vậy?

Ơn Trời, sự phúc đáp của tôi có được đến nơi đến chốn không? Câu trả lời xin được dành lại cho những thầy cô giáo cùng có mặt trong các buổi tiếp xúc.

Kỷ niệm sâu nặng nhất đối với tôi trong cả chuỗi những buổi giao lưu này, xin được kể lại ngắn gọn như sau và cũng là để kết thúc sự kiện này:

Khi hoàn thành buổi tiếp xúc với các em học viên (học sinh) ở Học viện Bóng đá JUVENTUS – VIỆT NAM tại Bà Rịa, các em quây lấy tôi đề nghị: Bác ơi, bác cho chúng con sờ quyển sách được không? Nó được hơn 100 năm rồi hả bác?

Một cậu bé cao, dong dỏng và trắng trẻo, đợi các bạn dãn bớt, đi đến sát tôi nói: “Bác nói hay quá, cháu thích lắm. Bác có thể cho cháu nắm tay bác được không…?”

Tôi đi ra xe để về, các cháu từ trong ký túc xá ùa ra, có em cầm vở, có em cầm sách đến trước tôi và nói: Bác ký cho cháu vào đây được không? Làm sao không được chứ? Tôi thấy mình thật vinh dự. Tôi ký, viết rõ tên và cả số điện thoại. Cháu bé reo lên, hay quá, cả số điện thoại của bác…Nhưng chưa được bác ạ, bác ghi rõ, bác là cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh chứ…!

Gần chục em đề nghị tôi ký, có em còn đòi ký luôn lên chiếc áo in JUVENTUS – VIỆT NAM nữa.

Bỗng… vẫn cậu bé trắng trẻo, cao cao lại xuất hiện, tôi thoáng nghĩ, chắc cháu ra chào tôi lần nữa… Nhưng không, cháu lại đến sát tôi nói thì thầm:

“Cháu nhớ những chuyện bác nói, hay quá, bác cho cháu được ôm bác nhé?!”….

Tôi có thể nói gì được nữa đây trước thái độ quý hóa của cậu bé. Vốn là người hay xúc động, nhưng sự việc diễn ra nhanh quá, đột ngột quá, nên khi về đến khách sạn, lòng tôi trùng xuống, lòng dạ lâng lâng…. Biết ơn Tạo hóa!

Có lẽ chuyến đi này đối với tôi, là sự hoàn thành sứ mệnh của một kẻ hậu sinh. Tôi không dám nhận, mình thành công!

Một lần nữa, xin cảm ơn thành thực CLB Book & Friend, cảm ơn các bạn trong dự án Chuyến Tàu Mùa Thu, cảm ơn các thầy cô giáo và các em học sinh ở EMASI Nam Long, Vạn Phúc, ở VFIS và ở JUVENTUS – VIỆT NAM thành phố Bà Rịa.

Xin nhớ ơn tất cả!

NGUYỄN LÂN BÌNH                                                       Hà Nội – 26/9/2019