Chuyện Tình Vua Chúa Hoàng Tộc Việt Nam
Chưa có một cuốn sách nào thông qua các chuyện tình mà xâu chuỗi được lịch sử từ truyền thuyết đến thành văn, kể tới hơn bốn ngàn năm như Các Chuyện Tình Vua Chúa, Hoàng Tộc Việt Nam mà bạn đang có trong này.
Tác giả, với quan điểm khoa học, đã soi rọi vào những trang lịch sử mù mờ của các triều đại, nhất là các triều đại phong kiến mà Nho học đã chiếm vị trí độc tôn. Đặc biệt các triều đại đang trượt dài trên dốc suy tàn. Giai cấp thống trị trong các giai đoạn lịch sử này thường có khuynh hướng che giấu bớt lỗi lầm, thậm chí tội lỗi, kể cá tội ác đối với nhân dân, buộc các sử quan phải viết theo ý muốn của nhàn vua. Cũng khó có thể làm khác được, bởi tất cả các bộ máy của triều đình đều là công cụ trong tay giai cấp thống trị.
Mặt khác, ta cũng nên cảm thông với các sử gia, bởi họ chịu sự chi phối của giới cầm quyền. Và cũng không loại trừ những sử gia cam tâm làm sử nô (ngày nay ta gọi là bồi bút). Không những họ đánh tráo khái niệm mà còn đánh tráo cả sự kiện, vì thế có nhiều kiến giải sai lệch, khiến hậu thế khó bề minh định.
Ngay cả các sử gia được coi là công tâm như Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên, nhưng các ông lại đứng trên quan điểm Nho học thuần tuý mà phê phán các quan điểm Phật học vào các triều đại trước đó.
Xuất phát từ những học thuyết triết học khác nhau, lại không xét tới hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nên các ông có những đánh giá mà trong suốt một thời gian dài được coi là khuôn mẫu, song thực tế lại là chủ quan, phiến diện.