Tiểu thuyết “Căn nhà giữa những đám mây” là dòng nội tâm đan xen giữa hiện tại và quá khứ của nhân vật Lân. Từ hiện thực trước mắt, Lân lần theo tìm về ký ức, lục lọi những kỷ niệm về căn nhà tuổi thơ, nơi hiện hữu một người cha “có khuynh hướng bị dẫn dắt bởi những thiên kiến, lầm lạc và mù quáng, thậm chí ngay cả lúc ông đang khỏe mạnh dường như ông vẫn bị chính cuộc sống chung quanh cuốn đi và nhấn chìm”, cuộc đời của ông “chỉ là một sự thất bại trá hình hơn là một mẫu mực”; một người mẹ “nhạy cảm với mọi thứ; sợ cái cảm giác nhung nhúc; bối rối với những rối loạn, sứt mẻ, đứt gẫy của tất cả bề mặt”; một người chị “giống hệt mẹ, một cái lóe sáng u buồn bên ngoài khung cửa; là Lâm – một mẫu người cậu em trai luôn mơ tưởng nhưng không đủ can đảm để trở thành; là cô em gái nhỏ “chỉ có hai đường chỉ tay độc nhất, báo hiệu những hành động liều lĩnh và bất ngờ”.
Tất cả là những ngôi sao cô đơn, cháy một mình và tắt lịm, ngay cả trong thời kỳ đẹp đẽ nhất khi còn căn gác cũ…
5. Những đánh giá dành cho tác phẩm
“Câu chuyện được kể rất sáng rõ – không gì sáng rõ bằng sự phơi trần mình ra một cách điềm tĩnh, tự chủ và chi tiết đến thế. Nhưng cũng vì nó quá phơi lộ, quá rõ ràng, dòng kí ức ấy mãi mãi là của riêng anh ta – người kể chuyện.
Nhưng sẽ đến một lúc nào đó, trên hành trình quan sát và dõi theo dòng chảy mê mải ấy, người đọc sẽ nhập hẳn vào câu chuyện. Sẽ đến lúc người đọc thấy những mây mù hồi ức ấy không còn là của riêng người kể chuyện. Đến một lúc nào đó, độc giả sẽ hoán thai đoạt cốt câu chuyện của tôi, để đến lượt mình, thức dậy câu chuyện của những tôi – khác, từ trong Căn nhà giữa những đám mây.”
LÊ HỒ QUANG (Nhà phê bình)
“Dường như, toàn bộ tiểu thuyết Căn nhà giữa những đám mây là việc tìm cách lý giải cho nỗi băn khoăn của Tôi: “Tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên về sự có mặt của mình trong cuộc đời này”, “Tôi một màu hay nhiều màu”, Tôi “bị kẹp cứng giữa những độ vênh thoáng qua hoặc như một cánh cửa bị sút một cái bản lề không ngừng va đập vào chính mình”…
Vì lẽ đó, có thể thấy, hơn 200 trang sách chỉ bao gồm những câu hỏi, có dấu hỏi (?) hoặc không.
Và, không có câu trả lời khả dĩ nào.
Nói cách khác, câu trả lời chỉ là những nơi chốn khó bề định vị, những “ngày quá dài và nguy hiểm”, những hình bóng mờ ảo, những mối quan hệ lỏng lẻo, những khoảng trống không thể lấp đầy, những trượt ngã không thể cứu vãn…
Căn nhà giữa những đám mây khiến ta nhớ tới Patrick Modiano, nhớ tới cuộc tìm kiếm nhọc nhằn, dai dẳng, vô vọng vết tích của chính mình, “căn cước’ của chính mình, danh tính của chính mình.”
Ý NHI (Nhà thơ)
“Cho dù là trần thuật, miêu tả, hồi ức hay độc thoại tư tưởng, mạch văn của Căn nhà giữa những đám mây bao giờ cũng lấp lánh trí tuệ của một thứ ngôn ngữ sang trọng phản ánh năng lực tư duy chiều sâu. Những câu văn đầy nội lực, đa nghĩa và hàm súc luôn mang đến cho người đọc những trăn trở, suy ngẫm về thiết chế văn hóa vốn đã định hình từ bao đời, giờ bỗng chốc được đo bằng một hệ giá trị khác.”
ĐẶNG VĂN SINH (Nhà văn)