Khi nhắc tới nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen, chắc hẳn bạn đọc Việt Nam sẽ nghĩ ngay tới “Châu Phi nghìn trùng” nổi tiếng – cuốn hồi ký của bà về 17 năm sống ở châu Phi – qua bản dịch ngọt ngào của dịch giả Hà Thế Giang. Nhưng có lẽ ít bạn đọc biết rằng chính tác phẩm đầu tay “Bảy chuyện kể Gothic” xuất bản năm 1934 ở Mỹ đã đưa Isak Dinesen trở thành một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỷ XX.
“Bảy chuyện kể Gothic” lần đầu được xuất bản ở Mỹ vào tháng 4 năm 1934, và được Câu lạc bộ Sách của tháng gửi tặng tới các thành viên của họ. Cuốn sách nhanh chóng trở thành một “cú hích”. Riêng Câu lạc bộ đã cho in 50.000 bản (sau khi Câu lạc bộ thỏa thuận về vấn đề bản quyền với Nhà xuất bản Harrison Smith & Robert Haas).
Văn học Gothic là một thể loại hư cấu kết hợp hai yếu tố kinh dị và lãng mạn, miêu tả sinh động những câu chuyện kỳ bí với sự ghê rợn, tuyệt vọng, kỳ dị và mang màu sắc u ám, nó xuất hiện tại Anh từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Nói đến văn học Gothic là nói tới đặc trưng “bóng tối” thể hiện các chủ đề cấm kỵ như loạn luân, siêu nhiên, hủy diệt… với hệ thống nhân vật “bất thường” trong tính cách, tâm lý… thường hay bị giam cầm trong không gian tối tăm, thời gian khép kín. Khi được hỏi tại sao lựa chọn tựa đề “chuyện kể Gothic”, Dinesen đáp: “Bởi tại Anh, nó đặt các câu chuyện vào bối cảnh thời đại và hàm ý về điều gì đó mà vừa mang sắc thái đề cao vừa ngập tràn bầu không khí giễu nhại trong thế giới yêu ma, bí ẩn.” Tự Dinesen xác định rõ: “Tôi không muốn viết theo đúng phong cách Gothic thật sự, mà sao phỏng phong cách Gothic, thời đại Lãng mạn của Byron, thời đại của người đàn ông… xây lên Strawberry Hill, thời đại phong cách Gothic hồi sinh.”
“Bảy chuyện kể Gothic” gồm 7 truyện, được đặt trong bối cảnh châu Âu thế kỷ XIX. Các truyện này xoay quanh nhiều chủ đề, là sự kết hợp giữa các yếu tố lãng mạn và siêu nhiên với lối kể chuyện châm biếm, tinh tế. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy ví tác phẩm này là “một tòa kiến trúc ngôn ngữ đồ sộ, bí hiểm, khó vào”.
“Bảy chuyện kể Gothic” bản tiếng Việt này có thêm 10 tranh minh họa màu đầy ma mị, quyến rũ, như là một phần quà tặng bạn đọc góp thêm sự hấp dẫn và thú vị. Ngoài ra, dịch giả Nguyễn Tuấn Bình cũng lược dịch thêm phần phân tích 7 truyện từ cuốn sách “Understanding Isak Dinesen” (Để hiểu Isak Dinesen) của nhà phê bình Susan C. Brantly, qua đó độc giả có thể hiểu hơn phong cách viết của Isak Dinesen.
Sách có phiên bản bìa cứng và bìa mềm.
Giá bìa mềm: 320.000đ
Giá bìa cứng: 450.000đ