“Ngôi nhà của Matryona” là tuyển tập các truyện ngắn và đoản văn nổi tiếng của Alexander Solzhenitsyn. Sách gồm 4 truyện ngắn, 2 đoản vănvà Phụ lục (“Diễn từ Nobel”, “Bài phát biểu tại lễ trao giải Nobel”, “Diễn từ Templeton”, tiểu luận “Sống không dối trá!”), cuối sách có các mốc thời gian quan trọng và hình ảnh của nhà văn.
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy từng viết rằng văn chương của Alexander Solzhenitsyn là: “‘lời nói về sự thật’ hấp dẫn bởi sự thật. Tác phẩm của ông, từ những truyện ngắn đầu tay đến những tiểu thuyết sau này thống nhất cao độ bởi một văn phong được các nhà nghiên cứu gọi là ‘cái nhìn đặc tả’ và ‘sự xé vụn thời gian’, rất xa với truyền thống văn xuôi Nga thế kỷ XIX và gắn với thủ pháp ‘đồng hiện’ của văn chương Mỹ. Sự cách tân đó hoà quyện chặt chẻ với những biểu tượng truyền thống của ngụ ngôn Nga như con hươu, cây sồi con bê… tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt”(“Từ điển văn học”, nhiều tác giả, Nxb. Thế giới, Hà Nội 2004).Khi tuyên dương tài năng văn chương của nhà văn, Ban giám khảo Viện Hàn lâm Thụy Điển khẳng định: “Ngay cả hình thức phê phán mà Solzhenitsyn tìm kiếm cho tác phẩm của mình cũng minh chứng cho thông điệp của ông. Hình thức này đã được mệnh danh là tiểu thuyết đa thanh (polyphone novel) hay tiểu thuyết chiều ngang (hirizontal novel)… Đó là toàn bộ nhân tính hàm chứa trong một hạt dẻ, bởi hạt nhân của nó là tình yêu nhân loại. Giải thưởng Nobel Văn chương năm nay được trao cho người đã tuyên xứng chủ nghĩa nhân văn cao cả đó.”
Điều này được thể hiện rõ trong “Ngôi nhà của Matryona” – một trong những truyện ngắn được yêu thích nhất của Alexander Solzhenitsyn. Câu chuyện theo chân nhân vật Ignatich tới một ngôi làng hẻo lánh và ở trọ trong nhà của một bà lão góa bụa tên Matryona. Suốt thời gian ở đây, ông chứng kiến hai “mảng màu” tương phản nhau: lòng tốt, sự bao dung và tham lam, đố kị. Thông qua đó, Ignatich cảm thương cho số phận con người và đau xót khi thấy lòng mộ đạo liêm chính đang dần biến mất. Hoặc như trong truyện “Vì lợi ích công việc”, các sinh viên một trường trung cấp kĩ thuật đã dành nhiều thời gian để xây dựng tòa nhà mới cho mình. Nhưng vì những mưu tính vụ lợi, một viện nghiên cứu đã lấy nơi này, gây nên những nỗi thất vọng lớn cho sinh viên học của trường, và quan trọng hơn hết, truyện chất vấn về chủ đề sự thật – dối trá: “Chúng ta không phải là những nam tước thời Trung cổ để tô vẽ cho huy hiệu của mình lộng lẫy thêm. Danh dự của thành phố chúng ta là ở chỗ những người trẻ tuổi ấy đã hân hoan xây dựng, và chúng ta có nghĩa vụ phải hỗ trợ họ! Nếu lấy đi tòa nhà, thì suốt đời họ sẽ ăn sâu ý nghĩ rằng họ đã bị lừa dối. Mã đã lừa một lần – có nghĩa là sẽ lừa thêm lần khác!”
Tập truyện ngắn phơi bày một cách tinh tế những mặt tối của con người và xã hội Nga đầu và cuối thế kỷ XX. Tác giả không đưa ra bất kì phán xét gì nhưng bằng cách “kể chuyện”, tác giả cho thấy khi vì những toan tính nhỏ nhen và có điều kiện thuận lợi, con người có thể trở nên tàn nhẫn vô cùng. Thông qua tập truyện này, tác giả mong mỏi con người từ bỏ ác tâm, thay đổi và về với lối sống thiện lành.