“Đây có thể là cẩm nang bỏ túi nếu bạn ngại đọc một quyển sách dày hoặc bị rối khi tham gia liên tiếp các khoá học làm giàu”.
Thích nghi và sống sót là những bài học và kinh nghiệm xương máu của tác giả Lê Châu Hoài Nhật trong quá trình khởi nghiệp. Tác giả với xuất phát điểm sinh ra trong một vùng quê nghèo khó, bằng nỗ lực vươn lên đã học tập và thành danh, từng tu nghiệp tại nước ngoài, trở về làm giảng viên Đại học Quy Nhơn. Nhưng không dừng lại ở đó, khi sự nghiệp đang có những bước phát triển thuận lợi, anh đã có một quyết định khiến bao người băn khoăn thắc mắc: Bỏ việc. Bởi trong anh đang ấp ủ một một Chương trình giáo dục của riêng mình, một sự nghiệp của riêng mình. Trước khi khởi nghiệp cần phải học việc, anh nộp hồ sơ xin việc vào 10 chỗ và đã được trúng tuyển.
“Từ một giáo viên tiếng Anh với mức lương trung bình, sau 6 tháng, tôi nhận mức lương cao nhất tại trung tâm. Từ một chuyên viên biên soạn giáo trình ở phòng đào tạo cho một công ty giáo dục, sau 6 tháng tôi đã được cân nhắc lên làm quản lí hai trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh, bạn thấy không, đó là bước tiến ngay bản thân tôi cũng không ngờ. Mức lương của tôi cứ thế tăng lên theo giá trị chức vụ và cống hiến của mình.”
“Một bước ngoặt thứ hai của tôi sau hai năm làm việc tại thành phố lớn nhất Việt Nam, tôi đệ đơn xin nghỉ khi công việc của tôi đang thăng hoa, chức vụ của tôi chỉ dưới Chủ tịch hội đồng quản trị. Sự chọn lựa táo bạo thứ hai, tôi quyết định quay về Quy Nhơn thành lập công ty riêng cho mình“.
“Ngoài giờ dạy ở các trung tâm ngoại ngữ lúc đó tôi thường ngồi tán gẫu với nhân viên tư vấn, tôi hỏi họ những công việc họ làm hàng ngày là gì? Tối về tôi ghi chú vào sổ tay. Tôi hẹn anh trưởng phòng đào tạo của trung tâm đó, mời anh ấy cà phê và hỏi anh ấy những công việc anh ấy thường làm hàng ngày là gì. Tôi mời vị giám đốc công ty ăn tối với mục đích duy nhất là hỏi những câu hỏi để anh ta cho tôi những thông tin đã thành lập công ty như thế nào, những khó khăn, những việc cần thiết, những thành công…”.
“Nếu bạn làm thử một công việc nào khác để kiếm sống thì cũng không sao, nhưng nếu bạn lập nghiệp vì ước mơ của mình thì cuộc đời này không có phép THỬ, bởi khi bạn dùng từ THỬ nghĩa là bạn đã giới hạn cho thành công và mời gọi thất bại đến. Bạn THỬ nghĩa là bạn chưa bao giờ cố gắng hết mình, bạn thử nghĩa là bạn đã xếp công việc đó trở thành thứ yếu. Chẳng bao giờ bạn dồn cả tâm trí thực hiện một việc mà bạn cho là thứ yếu cả”.
“Hãy là người sống có mục tiêu để sống khôn ngoan hơn. Bạn hãy là người làm việc có mục tiêu để tận hưởng những ngày làm việc có hạnh phúc. Bạn hãy là người sống có mục tiêu để bỏ lại những nỗi sợ hãi tầm thường bản năng của con người. Hãy ngồi xuống lắng nghe chính tiếng lòng của bạn, gọi ước mơ của bạn về và viết xuống. Hãy kế hoạch cho ước mơ và đam mê bằng những bước cụ thể, và rồi bạn sẽ dám thay đổi mọi thứ để lao vào thực hiện đam mê của mình không còn chút sợ hãi. Hãy làm đi và PHẢI làm vì nó quan trọng nhất, đừng THỬ làm vì khái niệm THỬ đã hình thành sẵn cho bạn sự thất bại”.