Chiếc thang cao màu xanh là câu chuyện về sự trưởng thành, về tình yêu của một chàng trai – một tu sĩ. Tác giả Gong Ji Young đã vẽ nên câu chuyện tình yêu xen lẫn sự bàng hoàng của Yo-Han – một chàng trai sống và làm việc trong tu viện. Đó là quá trình mà Yo-Han gặp gỡ, yêu và trưởng thành, từ đó đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Con người ta vì sao mà tồn tại? Nỗi thống khổ vì đâu mà có? Và tình yêu rốt cuộc là cái gì?”…
Thời gian dần qua đi, khi tất cả những sôi nổi yêu thương ngày nào đã trở thành dĩ vãng, Yo-Han của ngày hôm nay đã có thể bình tâm nhìn lại quá khứ:
“Ai sống trên đời cũng có những khoảng thời gian không thể nào quên. Đau khổ… Tươi đẹp… Cả những vết sẹo đã mờ nhưng vẫn còn nhức nhối… Mỗi khi nghĩ về quãng thời gian ấy, trái tim đang đập của tôi dường như nguội lạnh và phủ đầy rêu phong…
Nỗi buồn dù có tụ hội lại và sự thật về nỗi đau sót lại cũng không còn nhiều trong kí ức của tôi, nhưng những thứ còn lại của tình yêu thì đến giờ tôi vẫn nhớ. Có một nhà thơ đã hát lên rằng: “Tình yêu, điều mà không bao giờ biến mất, tuổi trẻ ơi hãy ở lại đây”. Tôi đã muốn nói lên như vậy. Tình yêu à, hãy ở lại đó mãi mãi. Khi đó tiếng chuông ngân lên. Tiếng chuông ngân lên như một chiếc thang đan bằng những sợi dây thừng màu xanh thẳm tuôn ra từ bầu trời…”
Câu chuyện bắt đầu từ một ngày nọ, Yo-Han nhận được tin của Soo-Hee và những ký ức về thời tuổi trẻ của ông trỗi dậy. Ngày ấy, Yo-Han trong khi giúp đỡ cô gái trẻ Soo-Hee làm luận văn đã nảy sinh một thứ tình cảm khác lạ, chưa từng biết đến, thôi thúc anh nghe theo tiếng nói nhân từ vang lên từ trái tim: “Ta đã mang cô ấy đến cho con. Hãy yêu đi, Yo Han”. Nhưng rồi sóng gió cuộc đời ập đến làm cho cuộc sống trong tu viện vốn đang trôi qua một cách bình lặng đột nhiên dậy sóng, nhấn chìm tất cả mọi bình yên đang có, và cuộc đời mỗi nhân vật rẽ sang những hướng khác nhau. Đó là một đêm mưa tầm tã, hai người bạn thân của Yo-Han là Micheal và Angelo chết vì tai nạn giao thông trong một cuộc tìm kiếm những chính kiến và niềm tin của riêng mình. Quá khủng hoảng, Yo-Han đã quay lại nhà thờ để cầu xin được gặp Soo-Hee một lần cuối cùng, nhưng cô đã không đến…
Xuyên suốt cuốn sách là cách kể đan xen giữa những câu chuyện về thời kì Chiến tranh thế giới thứ 2 của một cha xứ người Đức, câu chuyện về cuộc loạn lạc trong nội chiến Nam – Bắc Hàn… và hơn hết là câu chuyện thấm đẫm tình yêu và sự hi sinh. Hóa ra, tình yêu thực sự không phải là cố công giữ lấy, mà là biết buông tay và quay đi để người kia bước tiếp mới thực là tình yêu cao cả. Câu chuyện đến cuối cùng mới để người đọc hiểu ra rằng, hóa ra tình yêu của cô gái trẻ Soo-Hee với Yo-Han lớn lao đến thế.
Nội dung cuốn sách chứa đựng nhiều thông tin thực tế về xã hội Hàn Quốc, có một số chi tiết đề cao tính nhân văn cao cả của tình yêu con người, sự hi sinh giữa cái sống và cái chết, giữa sự lựa chọn mất còn. Những chuỗi hồi tưởng nối tiếp nhau như ngàn con sóng vỗ bờ, kí ức với những cảm xúc sống động một thời tuổi trẻ sôi nổi và yêu thương của lớp người sinh ra sau chiến tranh, hưởng thụ cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng không vì thế mà không có lí tưởng về sự công bằng, về những điều đúng – sai, phải – trái, hoặc những bất công trong xã hội.
Câu chuyện tình yêu của nhân vật chính được vẽ nên bằng thủ pháp hồi tưởng, vì vậy càng khiến nó rung lên như những giai điệu trữ tình, sâu lắng nhất mà cũng ám ảnh nhất: “Thời gian đã làm hao mòn đi mọi thứ, chỉ còn lại những thứ mang tính bản chất. Và cuối cùng thì tuổi trẻ lại không phải là thứ mang tính bản chất ấy, vì tuổi trẻ cũng sẽ bị hao mòn. Nhưng trong tâm trí luôn hướng về những điều ấy của tôi thì không hề bị hao mòn. Tình yêu của tôi là thật lòng”. Có thể nói, toàn bức tranh trong câu chuyện Chiếc thang cao màu xanh khiến người đọc cảm thấy thỏa mãn cả về thông tin cũng như về tiết tấu cảm xúc của nhân vật trong truyện. Nhà xuất bản Phụ nữ xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn tiểu thuyết này, hi vọng mỗi độc giả sau khi đọc xong sẽ tự tìm được câu trả lời cho câu hỏi luôn ám ảnh chúng ta suốt cuộc đời: “Con người ta vì sao mà tồn tại? Nỗi thống khổ vì đâu mà có? Và tình yêu rốt cuộc là gì?”
Tác giả
GONG JI YOUNG
Sinh năm 1963 ở Seoul, tốt nghiệp khoa tiếng Anh trường Đại học Yonsei – một trong những trường đại học nổi tiếng nhất của Hàn Quốc. Bà là một trong bốn nữ nhà văn đương đại có sức ảnh hưởng lớn trên văn đàn Hàn Quốc, tác giả của nhiều cuốn sách bestseller.
Tác phẩm của bà được dịch sang nhiều thứ tiếng, trong đó có một số đã được dịch sang tiếng Việt như Cá Thu, Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ, Yêu người tử tù…
Bà được nhận nhiều giải thưởng văn học có uy tín:
– 2001: Giải Văn học Hàn Quốc thế kỉ 21 lần thứ 7 và giải Văn học Tiểu thuyết lần thứ 27 của Hiệp hội Nhà văn Hàn Quốc.
– 2004: Giải Văn học Oh Young Soo lần thứ 12.
– 2011: Giải Văn học Yi Sang.
Dịch giả:
NGHIÊM THỊ THU HƯƠNG
Sinh năm 1979, Tốt nghiệp đại học chính quy ngành Tiếng Hàn, nhận học vị Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ học, từng được giải thưởng Sinh viên nước ngoài có thành tích học tập xuất sắc nhất năm 2005 của Bộ trưởng Bộ tri thức Kinh tế Hàn Quốc. Hiện đang giảng dạy tại khoa Tiếng Hàn Quốc, Đại học Hà Nội.
Các tác phẩm đã xuất bản:
Cẩm nang cho con gái đi lấy chồng (dịch chung), NXB Thanh niên, 2001
100 mẫu câu tiếng Hàn dành cho giáo viên và học sinh (Lee Yun Jin), NXB Giáo dục, 2004
Ngữ pháp tiếng Hàn đơn giản cho người nước ngoài (viết chung với tác giả Doo Won Sook), NXB Language Plus (Hàn Quốc), 2006
Hướng dẫn học và thi KLPT, NXB Giáo dục, 2008
Nâng cao năng lực dịch Hàn – Việt (viết chung với tác giả Lee Kye Sun), NXB Moon Erim (Hàn Quốc), 2015
Cá thu (Gong Ji Young), NXB Hội Nhà văn, 2015
Mây họa ánh trăng – Tập 5 (Yoon Isu), NXB Phụ nữ, 2018.