Bí ẩn, nên thơ và lôi cuốn – ba từ mới hình dung về văn học Đức qua Vị hạt táo.
Triết lý, khô khan và ảm đạm – đó là những từ thường được dùng để miêu tả nền văn học Đức. Song với Vị hạt táo, cuốn tiểu thuyết đầy sức hút của Katharina Hagena, người đọc có thể quên đi ấn tượng ấy.
Như tựa sách, hương táo và vị táo vấn vít lấy câu chuyện về ba thế hệ nữ nhân trong một gia đình: không nồng gắt nhưng ám ảnh. Mỗi cá nhân là một thế giới nội tại mờ biệt, khó lí giải, chính vì vậy khiến ngôi nhà cũng mang vẻ u ẩn.
Sau khi Bertha – bà ngoại qua đời, nhân vật xưng Tôi về lại ngôi nhà của gia đình mà nay cô được thừa kế. Từng bước khám phá điền sản này là từng bước bóc tách quá khứ lèn xếp những bí mật và nỗi đau gắn với những thế hệ trước, hoặc người đã khuất. Tôi muốn gọi lại dòng kí ức đang trườn ra khỏi vùng nhớ, để chí ít không bị đẩy xa thêm khỏi gia đình; ngược lại, kí ức cũng vẫy Tôi bằng đôi cánh miên màng của nó. Bà ngoại Bertha hiện lên trong mối quan hệ với chị gái bà – bà Anna, với ông ngoại hay ông giáo già Lexow; mẹ Tôi cùng các dì được khắc họa thông qua những suy nghĩ, xúc cảm dành cho nhau; tới lượt Tôi, một cách vô tình, tự bộc lộ mình trên nền mối liên kết với những người phụ nữ trong gia đình và bè bạn thuở ấu thơ. Tựu lại, mỗi số phận không được kể riêng mà chăng cài tạo nên lớp lang cho câu chuyện, độc giả dõi theo một nhân vật cũng là dõi theo nhiều nhân vật khác.
Dĩ nhiên, bên cạnh ba thế hệ phụ nữ, cây táo xứng được coi là một “nhân vật” – nó cũng quan sát, lắng nghe, lên tiếng, nếu ta lưu tâm đến thứ hương vị đan mắc khắp tiểu thuyết. Cây táo biểu hiện căng nét nữ-tính trong lối viết của Katharina, sự nữ tính ngay cả khi tác giả mô tả cái u ám lịch sử như dòng chữ về Đức quốc xã do ai đó lén khắc lên chuồng gà nhà Tôi. Thật khó chỉ ra cho hết chất nữ tính ấy (việc lựa chọn các nhân vật nữ chỉ là điểm ban đầu), liệu có thể nói Vị hạt táo mang một sức nặng rất tinh nhẹ và mềm mại, sự quyết liệt lại ẩn sau vẻ lãng đãng, thậm chí nỗi đau cũng tới thật từ tốn. Katharina viết về nỗi đau nên thơ vô ngần, đồng thời có những đoạn điểm xuyết nét hóm hỉnh “đắt giá”.
Nắm bắt tròn vẹn tinh thần Vị hạt táo ấy, thể hiện hầu như nguyên chất tính-nữ ấy (công việc vốn dĩ được chờ đợi nhiều hơn ở một nữ dịch giả), dịch giả Lê Quang, dù là một dịch giả hàng đầu của văn học Đức, vẫn gây bất ngờ với bản chuyển ngữ của ông.
Và cuối cùng, sự đọc là dành cho độc giả. Không thể đoán trước những cảm xúc mà Vị hạt táo mang đến, song có thể dám chắc họ sẽ muốn nhớ câu chuyện mở đầu bằng lãng quên này.