Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (1972 – 2022), Nhà xuất bản Phụ nữViệt Nam cùng tác giả – cựu nhà báo Tô Minh Nguyệt – tổ chức sự kiện Thư viết từ Hà Nội – Bom đã rơi trên hè phố thủ đô.
Sự kiện là dịp để chúng ta nhìn lại những gì trong quá khứ, nhìn lại thời bom đạn, với biết bao câu hỏi, trăn trở, về một thế hệ, một thời đại – những con người đầy khát vọng, lý tưởng hừng hực của tuổi trẻ ngày xưa nay đã là những bậc lão thành. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ ngày nay có thể tìm hiểu về sự quật cường và sức mạnh dân tộc trong thời kỳ đầy khốc liệt. Làm sao có được một sức mạnh dân tộc đoàn kết, làm sao mà cả một thế hệ thanh niên có thể cống hiến trọn vẹn tuổi xuân, trọn vẹn sức sống cho đất nước trong hoàn cảnh sống như vậy? Ngay thời điểm đó, Jane Fonda – nữ diễn viên người Mỹ nổi tiếng thế giới – đã ngạc nhiên, đã khóc khi cô tới Việt Nam, tận mắt chứng kiến những gì xảy ra ngay tại thủ đô Hà Nội.
Tất cả đã lay động cả thế giới…
***
Ngược về 50 năm trước, qua mỗi trang viết của cựu nhà báo Tô Minh Nguyệt, chúng ta như được sống trong chiều kích thời gian, không gian của đời sống thường nhật lúc bấy giờ. Tập hợp nhiều truyện, ký viết rải rác trước và sau sự kiện B-52 ném bom Hà Nội, “Thư viết từ Hà Nội – Bom đã rơi trên hè phố thủ đô” nhưthủ thỉ với chúng ta về những kinh hoàng ngày đó…
Trong số các tác phẩm viết về đề tài kỷ niệm 50 năm Điên Biên Phủ trên không, tập truyện – ký của nữ tác giả Tô Minh Nguyệt có sắc thái riêng biệt hẳn. Bà không nói về vết thương chiến tranh với thái độ đả kích hay hằn học. Cuốn sách là những câu chuyện gia đình, câu chuyện của một người chị, một người con và một người mẹ. Đọc Thư viết từ Hà Nội, người ta thấy ở đó sự can trường của phụ nữ, của một thế hệ chịu thương, chịu khó và rất lạc quan dù cho tình cảnh cực kỳ đau thương. Từng con chữ chân chất rất phụ nữ, rất đời thường đầy chất chứa, đè nén cảm xúc, là những tâm tình mà tác giả gói ghém dành cho em trai Tô Hùng, người vào chiến trường từ năm 17 tuổi và chưa một lần về thăm nhà, đã mãi mãi nằm lại chân núi Ngự Bình (Huế); và làng Láng, nơi có mái nhà tranh mà gia đình bà đã tiếp đón nhiều văn nghệ sĩ đến chơi…
Kết hợp giữa thể loại tin tức – báo chí với cảm xúc cá nhân, tác giả biến những sự kiện đau thương nhất thành trữ tình nhất, dạt dào xúc cảm nhưng vẫn thể hiện được sự khốc liệt của hiện thực. Cảm xúc của tập sách đủ để khơi gợi và lắng đọng chứ không bi lụy, sướt mướt hay hằn học, đó là tỉnh trong cảm xúc – cảm xúc nhưng tỉnh táo, tỉnh trong lời lẽ, văn phong, ý tứ… Và chính vì thế, cách viết của bà, dẫu đã qua 50 năm, vẫn còn rất mới.
Đọc Thư viết từ Hà Nội, chúng ta sẽthấy ký ức ngày ấy như vẫn còn đâu đây: “óc ách đầy vơi”, “thì thầm thiết tha” (chữ dùng của tác giả). Đọc để thấy sự lạc quan, bền bỉ tinh thần của một thế hệ giữa thời gian khó, đọc để thấy trong hoàn cảnh đen tối nhất, người ta vẫn sống tình cảm, xem nhau như máu mủ, không ai đói, cũng chẳng ai bỏ ai ở lại… và đọc để thấy được phụ nữ thời ấy dũng cảm, chịu đựng đến nhường nào.