Cuốn sách Ở xứ vàng mà bạn đang có trong tay gồm 6 truyện chọn lọc của Henryk Sienkiewicz: Những nhầm lẫn khôi hài, Ở xứ vàng, Người gác đèn biển, Ánh sáng chốn u minh, Nhạc công đại phong cầm làng Ponikla và Nàng thứ Ba.
Viết về những đề tài, bối cảnh và số phận khác nhau, thế nhưng dường như có một sợi dây vô hình gắn kết sáu tác phẩm độc lập mà qua đó hiện lên một bức tranh toàn cảnh về Ba Lan, nơi có tâm hồn con người trú ngụ trên từng tiếng thì thầm dân tộc.
Khi mà, ở một thế giới rộng hơn vượt xa ngoài biên giới Ba Lan, Những nhầm lẫn khôi hài, Ở xứ vàng, Người gác đèn biển như bật lên một tiếng nói đa âm sắc về số phận những kẻ tha hương, bôn ba đến tận biệt xứ tìm kiếm một cơ hội thay đổi cuộc đời. Họ tìm đến Mỹ, vì mỏ dầu (Những nhầm lẫn khôi hài), vì vàng (Ở xứ vàng), vì những xô đẩy của cuộc đời (Người gác đèn biển) hay vì một cuộc trốn chạy khỏi thực tiễn cũ mèm, nhàm chán (Mary – Ở xứ vàng). Nhưng, nói cho tận cùng lý lẽ, dường như tất cả những ai dứt áo ra đi làm sao tránh khỏi một lý do trốn tránh, chẳng phải vì trốn cái nghèo, cái chật vật, cái lẩn quẩn nhàm chán mà người ta lao mình, người ta dấn thân vào những điều run rủi. Mà, như thế có gì là sai quấy. Ở đây, mở ra trong từng trang giấy là những con người vụng về nơi xứ lạ, bằng những cách riêng mình, mỗi người chọn lấy một lối thích nghi. Và, đó cũng là những bình diện khác của cuộc đời xa xứ, khi mà nơi thì yên ả vươn lên như trấn Struck Oil (Những nhầm lẫn khôi hài), nơi lại bão dông khắc nghiệt như Sacramento (Ở xứ vàng). Mà, đâu phải ở cái nơi hừng hực mùi tiền, tiếng cười đều bị tắt ngấm. Không, vẫn giòn giã, dù cho đôi khi nó bật lên là vì một điều ngớ ngẩn vô hại, một cái cá tính khập khiễng với số đông hay thiết thực hơn là thần vận may gõ cửa,… Nó vẫn đến, vẫn ở lại, một liều thuốc còn lành hơn leroa mà ông bác sĩ “thiên tài” “bồi bổ” cho bệnh nhân. Nơi tha hương kia sẽ thử thách lòng kiên trường của con người, dưỡng cho anh ta dày dạn, rồi cũng chính nơi gai góc đó, người ta chợt ấm lòng trước những bao bọc xa lạ, để thay vì súng đạn, người ta kết gắn nhau bằng tình người. Trái tim chân thành sẽ đơm những mầm tình cảm dịu dàng, người ta lại biết yêu thương, lại thức dậy tình yêu vô vụ lợi, tha thiết, dâng hiến hết thảy (Rows và Mary – Ở xứ vàng, Hans và Lora – Những nhầm lẫn khôi hài). Để rồi, sau bao nhiêu dông tố cuộc đời, điều khát khao sau cùng lại là tiếng gọi thân thương đầy thổn thức – tiếng gọi quê nhà (Người gác đèn biển).
Vậy thì, trở lại biên giới Ba Lan ở ba truyện sau, ngoài những điểm xuyết tinh tế và đắt giá về phong vị Ba Lan, Ánh sáng chốn u minh, Nhạc công đại phong cầm ở làng Ponikla và Nàng Thứ Ba sẽ đưa ta vào lãnh địa của giới văn nghệ sĩ Ba Lan những năm kỳ cam go, chật vật sinh tồn với nghèo khổ, thiếu thốn. Một bối cảnh với thị hiếu tầm thường, nghệ thuật sinh ra không có người tri kỷ, người ta sẵn sàng đổ xô ca tụng cũng sẵn sàng hùa nhau vùi dập chỉ vì một kẻ ngu dốt nghệ thuật tung hứng hoặc miệt thị nghệ thuật. Nhưng có sao, mặc cho cuộc đời lãnh đạm, bị đẩy xuống dưới đáy xã hội, tình yêu đối với nghệ thuật và sự hiến thân cho cái đẹp chân chính đã cứu vớt họ, dẫu bằng đôi cánh của một linh hồn như Kamionka (Ánh sáng chốn u minh) hay Klen (Nhạc công đại phong cầm làng Ponikla). Và, cũng cái anh chàng nghệ sĩ ấy, hôm qua thế giới đạp anh ta dưới gót giày, hôn thê bội tín, vậy mà hôm nay, kẻ mạt hạng ấy được công nhận, được những “những kho tiền” ngó ngàng tới, cả thiên đường cũng phải trải thảm nhung cho mỗi bước anh ta đi (Swiatecki và Magorski – Nàng thứ ba). Một cuộc sống cứ thế dở khóc dở cười theo những nốt bổng trầm của mặt đồng tiền sấp ngửa!
Viết về những con người bất toàn nhưng không chôn vùi cuộc đời trong tẻ nhạt hay vòng lặp của bế tắc, và ngay cả câu chuyện đáng buồn nhất cũng nhuốm màu tươi sáng! Đó phải là một bậc thầy về nghệ thuật kể chuyện, điều dẫn cảm xúc, năng lượng từ điểm nhìn tích cực và được thi triển bởi một ngòi bút sâu sắc đầy tinh tế mới có thể đưa câu chuyện trôi đi nhẹ nhàng đến thế. Vì quả vậy, khi mà thực tại và bản chất câu chuyện trở nên u uất thì giải pháp hài xuất hiện như là một nghệ thuật xoay trở tình thế, cách xử lý tình huống mới mẻ và tích cực, xua cái nặng nề trong tiếp nhận. Giọng văn châm biếm, giễu nhại, tưởng chừng vô thưởng vô phạt song ẩn sau vẻ lạnh lùng là một trái tim đa cảm nhìn thấu được những vấn đề của cuộc sống.
Chẳng thế mà, cho tới nay Henryk Sienkiewicz vẫn là nhà văn Ba Lan vô địch về số lần cũng như số lượng sách được tái bản ở trong và ngoài nước. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra trên 50 thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Chỉ riêng trong thời gian từ năm 1945 đến 1961, các tác phẩm của H. Sienkiewicz đã 313 lần được dịch ra các thứ tiếng nước ngoài, nhiều tác phẩm được đưa lên sân khấu và màn ảnh, đưa vào giảng dạy trong nhà trường, là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu. Và, khi cầm cuốn sách này trên tay, kinh qua những câu chuyện từ muôn năm cũ, lòng dợn lên cảm giác vừa thân quen vừa chột dạ, bạn đọc sẽ hiểu vì sao tác phẩm tư tưởng của một con người có thể sống trường tồn với thời gian như thế.