Sách đem lại ngọn lửa ấm và thắp sáng những con đường trong suy tư bạn đọc khi họ đối diện sự thật, xây dựng ước mơ. Lê Dương Thể Hạnh phác họa hình ảnh quen thuộc: người thầy dạy học -“người lái đò”, “hành khách” – học trò, “dòng sông” – bến tri thức, giới hạn cuộc đời.
“Con thuyền” của bao thế hệ học trò có lẽ là ngôi trường, những sợi dây cuộc sống nối dài họ đã gắn bó, vươn lên, tìm thấy lối đi riêng, trở thành người có ích cho xã hội. Mỗi học trò xuất hiện trong trang sách Thể Hạnh có “con thuyền” riêng. “Con thuyền” nép mình ở vùng quê lam lũ, “con thuyền” nơi trường dạy nghề rèn nghiệp mưu sinh, “con thuyền lớn” – giảng đường đại học thoáng rộng trong nước và thế giới, “con thuyền”- không gian mạng đầy biến ảo.
Người học trò – “hành khách” tùy hoàn cảnh, năng lực và lựa chọn hướng phấn đấu của bản thânvượt qua dòng sông tri thức bằng tất cả nỗ lực cá nhân, đặt chân lên bến bờ mới, mải miết hành trình. Khi quãng đi đủ xa, “hành khách” chợt ngoái nhìn về ký ức năm tháng. Họ cho phép chiếc lá suy tư óng vàng trang tập cũ, niềm vui nỗi buồn sóng sánh.
Lê Dương Thể Hạnh chọn gam màuánh bình minh khởi đầu ngày mới từ tinh mơ với cộng đồng Starup Education, những “người lái đò” trong“cabin tri thức” là màn hình máy tính, giúp học trò có thể chưa bao giờ gặp mặt cập bến hiểu biết, bình an.
“Người lái đò” – cô giáo vùng cao giữa căn nhà cấp bốn giữ tay học trò vượt qua hủ tục tảo hôn.
“Người lái đò” – thầy giáo trường nghề sau chiến tranh trở về không lành lặn, cần mẫn giũa tay nghề cho học trò khuyết tật, nghèo khó.
“Người lái đò”nơi đảo xa làm cánh chim hải âu dẫn đường học trò vượt bão tố cuộc đời “cập bến” đất liền học đại học, tin tưởng ngày cánh chim học trò ấy trở lại truyền lửa tri thức cho thế hệ tiếp theo.
Công việc người thầy ở đâu trong dòng chảy thời gian vẫn lấp lánh ánh sáng tri thức, trái tim thầy cô đập nhịp cảm thông và nhẹ nhàng gợi mở. Rời xa bến sông, “hành khách” – học trò muôn ngả vào đời cũng có lúc nhớ về thầy cô giáo cũ.
Lặng thầm tỏa hương như cành hoa sữa cô học trò nghịch ngợm trèo hái vội trong đêm cài vào cánh cửa nhà cô giáo. Lặng thầm gắn kết nguồn cội như tiếng Việt được giảng dạy ở ngoài ranh giới mảnh đất hình chữ S. Lặng thầm niềm vui lớp học Nhật ngữ nhỏ tựa vào nhau của học viên đấm bóp, người bán vé số… khiếm thị.
Lặng thầm tình mẹ thiêng liêng cùng cô giáo giúp con qua bờ sông tự kỷ.
Tình thầy trò thiêng liêng nối liền bờ tri thức, san lấp hố ngăn bệnh tật, chia sẻ nỗi đau bùng phát và lâu dài của bóng đêm trẻ khiếm thị, khiếm thính… giúp học trò thêm cơ hội hòa nhập hơn với cộng đồng.
Một nhà hiền triết đã nói đại ý điều gì rồi cũng sẽ qua đi.Quả ngọt, quả chua“hành khách”- học trò hái giữtrongmỗi cuộc đời của họ đến thời điểm nào đó cũng trở thành quá khứ nhẹ nhàng. Chỉ bến sông ngày nào bên thầy cô giáo cũ bừng nở đóa hoa yêu thương đơn sơ, bất tử.