Không gian văn học đương đại gồm các bài phê bình, tiểu luận về những tác giả có thành tựu của văn học đương đại Việt Nam như: Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Võ Thị Hảo, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Phấn, v.v… Đây là những thể nghiệm của nhà nghiên cứu trẻ Đoàn Ánh Dương trong lĩnh vực phê bình văn học Việt Nam đương đại với những phương pháp khác nhau, như thi pháp học, cấu trúc luận, tự sự học, lý thuyết chấn thương, lý thuyết hậu thực dân,… nhằm nêu bật những đóng góp của các tác giả không chỉ với thể loại mà quan trọng hơn là đóng góp cho diễn trình lịch sử văn học, văn hoá dân tộc.
Dù là những bước thử nghiệm về phương pháp tiếp cận tác giả, tác phẩm nhưng có thể thấy bước đầu nhà nghiên cứu đã khá thành công khi sử dụng lý thuyết hậu thực dân với trường hợp của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi giải mã một cách thuyết phục tác phẩm Mẫu Thượng ngàn : “Một bộ phận trí thức muốn hướng tới các vấn đề đối thoại văn hoá, cắt nghĩa quá khứ để làm thành một bài học cho tương lai” (Tự sự hậu thực dân: lịch sử và huyền thoại trong Mẫu Thượng ngàn). “Với tự sự hậu thực dân, tái tạo quá luôn là cuộc hồi đáp không ngừng giữa tính khách quan của lịch sử và ý đồ của nhà tiểu thuyết, làm thành đặc trưng cơ bản nhất của bộ phận văn học này. Theo đó, viết không còn là thăm dò cái chưa biết mà là viết để giải mã cái đã biết… và diễn giải khác về cái quen thuộc”… Đoàn Ánh Dương đã không những chỉ ra được cách viết tiểu thuyết lịch sử đặc sắc ở nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mà còn đề xuất một lối viết tiểu thuyết lịch sử: Lịch sử [và huyền thoại trong Mẫu Thượng ngàn] không phải là câu chuyện quá khứ đã hoàn kết, mà là cái ngày xưa đang sống lại trong sự diễn giải của ngày hôm nay, giải đáp cho các vấn đề của ngày hôm nay. Nghĩa là quá khứ vẫn còn sống mãi, và mãi đòi hỏi được viết lại”.
Tương tự như vậy là sự thành công khi nhà nghiên cứu áp dụng lý thuyết chấn thương khi nghiên cứu về trường hợp Bảo Ninh hay sử dụng thi pháp học nghiên cứu trường hợp thơ Nguyễn Quang Thiều và thơ Trần Anh Thái.
Tuy vận dụng các phương pháp nghiên cứu khá hiện đại song Đoàn Ánh Dương luôn chủ trương đặt nhà văn và tác phẩm vào trong không gian xã hội và văn hóa sinh thành nên văn học, một nền văn học đang chuyển đổi và phân hóa từ trong những không gian đang đối diện với sự chuyển đổi và phân hóa để nghiên cứu với mục đích nhìn nhận chủ thể nhà văn nhiều hơn một tư cách chủ thể sáng tạo và tác phẩm văn học nhiều hơn một tư cách nghệ phẩm cấu thành từ ngôn ngữ, như một cách tham dự của văn học vào cuộc đời.
Các tiểu luận trong Không gian văn học đương đại nhìn nhận văn học không chỉ là nghệ thuật ngôn từ trong các loại hình nghệ thuật mà còn là một ngôn ngữ trong các loại hình giao tiếp văn hóa và xã hội, nơi chất chứa những biểu thuật của quá trình tiếp xúc không ngừng nghỉ giữa các nền văn hóa trong suốt hành trình tạo lập bản sắc dân tộc.
Tập sách cho thấy nỗ lực tiếp cận các phương pháp nghiên cứu hiện đại của một nhà nghiên cứu, phê bình trẻ (dù mới chỉ dừng lại ở sự vận dụng phương pháp, còn thiếu tính nghiên cứu lý thuyết hệ thống).
Tác giả
Nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương sinh năm 1984 tại Thái Nguyên. Anh Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên, năm 2006; bảo vệ luận văn thạc sĩ Lý luận văn học tại Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2010. Anh đã công bố nhiều bài nghiên cứu trên các báo, tạp chí và luôn có ý thức tìm tòi thể nghiệm những hướng nghiên cứu mới trong việc tiếp cận văn học đương đại Việt Nam.
Hiện anh đang công tác tại Phòng Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Viện Văn học Việt Nam.