Giấc mơ Mỹ – một hiện thực lạ lùng!
Giấc mơ Mỹ, từ Gatsby vĩ đại (F.Scott Fitzgerald) đến tác phẩm của Steven Millhauser, vẫn vậy: đậm màu cá nhân, thực dụng tới nghẹt thở nhưng lại dẫn chiếu đến cảm giác lớn lao, phóng khoáng, nhung nhức lãng mạn – điều biến nó thành quá đỗi lạ lùng.
Giấc mơ Mỹ? Khởi thủy chẳng có gì phổ quát, kì vĩ cả. Nó nảy trong đầu một cậu bé mang tên Martin Dressler, nó đi từ một tiệm xì gà tuy có tiếng song cũng chẳng mấy ấn tượng giữa một quốc gia. Giấc mơ ấy có thể lớn lên là bởi người-mơ không bằng lòng với nhịp điệu giản đơn, với nền nếp cố định – những hàng lối, công thức không còn chi để hoài nghi, khơi mở.
Martin Dressler, từ năm chín tuổi, đã khoái được “biểu diễn kĩ năng” cuốn xì gà trước các vị khách đang trầm trồ thán phục, đã cảm thấy chán cách bài trí “thuần một sắc nâu” trong cửa hiệu của cha, đã mơ tưởng tới không gian lấp lánh và sáng tạo cho riêng mình.
Giấc mơ của cậu bé nhà Dressler đầy lôi cuốn không chỉ ở chỗ đường biên được nới trải liên tục, cao hơn xa hơn mà còn ở quyết tâm mãnh liệt được dồn vào đó: trở lực không khiến cậu quay bước, và thành công cũng không làm Martin ngừng lại.
Giấc mơ vô hình, bé bỏng nở bung trong mô hình quầy xì gà mới, chuỗi nhà hàng ăn uống, những cao ốc đa năng – khổng lồ đến quái lạ… mà Martin miệt mài khởi dựng; nó được phô diễn qua dòng tiền và khối thép cuồn cuộn sinh sôi. Lời dẫn “Câu chuyện của một người Mỹ mộng mơ” phải chăng là mánh lừa – khi tác phẩm bề bộn những kế hoạch làm ăn, các dãy số cùng các bản thiết kế, hoặc giả hai yếu tố tưởng chừng bất khả dung đó đã thực sự hòa quyện, cần nhau để biểu hiện lẫn nhau!
Giấc mơ Mỹ sẽ còn khiến người ta phải ngạc nhiên bởi mâu thuẫn nội tại, bởi tính đa chiều, xoay trở đầy hấp dẫn. Ở Gatsby vĩ đại, Giấc mơ Mỹ (mà ta chắc mẩm là quá sức lộng lẫy) rốt cuộc được thâu tóm vào ánh sáng xanh nhỏ bé cuối bến tàu; còn với câu chuyện về Martin Dressler – chất thơ nồng đượm nhất của nó lại nằm trong trăm ngàn khối bê tông mọc lên giữa bối cảnh chuyển động của cả châu lục (dù dĩ nhiên cũng không thể làm ngơ đường dây cảm xúc giữa Martin Dressler cùng những nữ nhân trong truyện), và rồi khi người đọc ngỡ tưởng nó thực sự “phô trương”, Giấc mơ Mỹ lại cô kết trong giây phút “tạm lánh xa mọi thứ”, “chẳng có gì phải vội” cuối tiểu thuyết.
Bằng lối dẫn chuyện luôn giãn cách với nhân vật, ở nhiều chỗ pha chút bí ẩn, Steven Millhauser đã tài tình khắc họa một giấc mộng cá nhân ăm ắp tư tưởng và tinh thần Mỹ.