Bằng giọng văn giàu hình ảnh và trí tưởng tượng phong phú, nhà văn nổi tiếng người Séc Radka Denemarková đã miêu tả một thế giới bất công và tăm tối. Tiền từ Hitler kể về câu chuyện của Gita Lauschmann, cô gái sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần Do Thái nhưng nói tiếng Đức tại ngôi làng Puklice ở Séc. Sáu chương truyện trong tác phẩm là sáu lần nỗ lực trở về quê hương từng là nơi cô trải qua tuổi thơ hạnh phúc trước khi chiến tranh xảy ra.
Vào năm 1945, thiếu nữ 16 tuổi Gita Lauschmanová rời trại tập trung của Đức Quốc xã và phải đối diện với thực tế phũ phàng đáng kinh ngạc rằng trên thực tế không có nơi nào để về. Trải qua muôn vàn khốc liệt, giờ đây cô gái mồ côi Gita quay trở lại ngôi làng của mình với hi vọng sẽ nhận được sự chào đón của người dân ở nơi cô sinh ra và lớn lên. Nhưng thứ Gita nhận được chỉ là sự thù ghét từ những người từng làm thuê cho bố của cô, chính họ lúc này đã chiếm đoạt toàn bộ tài sản và nhà cửa của gia đình Gita. Bọn chúng gán cho cô cái mác phát xít, chúng khiến cô một lần nữa sống trong đọa đày và thống khổ cùng cực. Đối với cô, sống không còn là vấn đề đúng hay sai. Gita may mắn trốn thoát và được người dì ở Praha cưu mang.
Sáu mươi năm sau, vào mùa hè năm 2005, Gita Lauschmannová lúc này đã là bác sĩ về hưu. Bà quyết định quay lại ngôi làng để đòi lại công lý cho gia đình. Nhưng một lần nữa, người dân nơi đây quyết liệt chống đối lại bà, người duy nhất ủng hộ bà chính là con trai của gia đình trước kia từng tống cổ bà khỏi ngôi nhà của mình.
Liệu rằng sau tất cả đau khổ và oan ức mà Gita Lauschmannová phải chịu đựng ngần ấy năm, bà có thể khiến người dân Puklice thừa nhận sai lầm của họ, liệu bà có thể được nhận dù chỉ là một lời xin lỗi trước khi bệnh tật khiến bà gục ngã và từ giã cõi đời???
Tiền từ Hitler là một câu chuyện đau lòng về nạn phân biệt chủng tộc và sự áp bức dã man người Do Thái. Tác phẩm đã nhận được giải thưởng Magnesia Litera danh giá của Cộng hòa Séc cho thể loại Văn học Séc ở hạng mục văn xuôi năm 2007. Vở kịch cùng tên được công chiếu vào những năm 2010-2012 tại Nhà hát Svanda ở Praha đã làm dấy lên những làn sóng tranh luận trong công chúng về chủ đề nhạy cảm trong mối quan hệ chính trị của Đức-Séc-Do Thái.