Tôi mượn đầu đề này của nhà văn Nhật nổi tiếng Yasunari Kawabata. Ông cũng có một chùm truyện ngắn với tên gọi như vậy. Cách đây ba chục năm chính tôi dịch và in báo một số truyện trong chùm ấy, nay thất lạc chẳng nhớ gì. Chỉ mang máng nhớ một truyện nói về người đàn bà nọ mang thai những mấy năm mới đẻ. Thì ra bà ta gắng chịu đến khi chiến tranh kết thúc mới dám cho con ra đời để tránh họa binh đao. Truyện khác về một người đàn ông từ xa về đến nhà thì vợ đã chết, người xám ngoét, nhăn nhúm. Suốt nhiều giờ liền ông ta dùng đôi tay khỏe mạnh của mình xoa bóp cơ thể vợ cho đến khi da thịt căng ra, đỏ hồng. Và bà đã mỉm cười với ông. Cả hai truyện đều rất ngắn, đúng chỉ bằng lòng bàn tay như tên gọi, nhưng ấn tượng để lại thật sâu sắc, trong khi suốt đời mình có lẽ tôi đã đọc đến cả núi sách, phần lớn thường dài mà đọng lại trong trí nhớ chẳng được bao nhiêu.
Nhiều truyện ngắn của ta hiện nay, trong đó có truyện của tôi, công bằng mà nói, có thể rút ngắn từ một vài chục trang xuống vài ba trang hoặc thậm chí ít hơn mà vẫn truyền tải hết ý. Chưa chừng hiệu quả còn lớn hơn. Đấy là chưa nói việc bây giờ thời đại tin học với nếp sống công nghiệp bận rộn, hơi đâu người ta chịu nghe mình rông dài này nọ. Cá nhân tôi cũng luôn thích đọc những truyện ngắn và không muốn tác giả hiểu hộ cho mình.
Đó là lý do khiến tôi thử viết chùm truyện “Những truyện ngắn chỉ lớn bằng lòng bàn tay”. Còn việc chúng có được như tôi mong muốn hay không thì lại là chuyện khác.