Tác phẩm
Người trong đêm hè – bản giao hưởng cuộc sống và tình yêu.
Người trong đêm hè là cuốn tiểu thuyết đã góp phần đưa giải Nobel Văn học năm 1939 về cho Frans Emil Sillanpää và về cho đất nước Phần Lan. Chính Sillanpää đã gọi “đứa con tinh thần” này là “chuỗi thơ mang tính tự sự” bởi sự đan kết tự nhiên giữa bốn mươi tám văn khúc tả cảnh, đối thoại, độc thoại, có lúc đầy kịch tính, khi lại man mác, nên thơ.
Tuy là một tác phẩm ngắn trong địa hạt tiểu thuyết, Người trong đêm hè vẫn dựng được tuyến nhân vật phong phú và sinh động. Trước hết, Sillanpää dành nhiều trang viết cho những phụ nữ ở miền quê: cô thiếu nữ Helka đang trải qua quãng đời thanh xuân yên bình; còn hai người vợ – Hilja và Santra – mỗi người đối diện với một hoàn cảnh, đeo nặng một tâm tư. Song hành cùng các nhân vật nữ, dĩ nhiên, là bóng hình những người đàn ông: chàng sinh viên Arvid hào hoa (bạn trai Helka); anh nông dân Jalmari ngu ngơ, vụng về (chồng Hilja); Jukka – người chồng thờ ơ của Santra. Họ cùng xuất hiện trên nền bối cảnh điền trang, một không gian tưởng chừng đơn sơ, yên ả song lại làm nảy lên bức tranh nội tâm sâu kín, đa chiều.
Bên cạnh đó, có thể nói nhà văn đã đặc biệt sáng tạo tuýp nhân vật cô đơn: Salonen – chàng thợ gỗ trẻ tuổi và bà ngoại già của Helka. Nếu Salonen, nhân vật đi tìm chất thơ, sự lãng mạn, trở nên bơ vơ giữa cuộc đời xấu xí thì bà chủ trang trại Teliranta, người đã nếm trải đủ giông gió trong đời, lại lạc lõng với lớp con, cháu. Một già, một trẻ tuy bộc lộ niềm cô đơn khác nhau nhưng đều khiến ta xót xa, bởi trạng thái tâm hồn đó dường như ở họ là không thể khỏa lấp. Hãy nghe tiếng gọi buồn thảm của Salonen: “Nhưng còn tôi, tôi có ai? Ngay cả mẹ cũng không, mẹ ơi, mẹ ơi…” Ở nhân vật này, Sillanpää đã “dũng cảm” gợi nhắc “nỗi khát khao kì lạ”, tức hiện tượng đồng tính vốn bị cấm đoán vào những năm 30 của thế kỷ trước.
Nhằm quan sát đời sống, đồng thời khơi sâu vào nội tâm của các nhân vật như vậy, Sillanpää rất khéo sắp đặt các nhân vật kể chuyện: vị họa sỹ và lão nấu nhựa thông Manu. Họ lặng lẽ dõi theo những biến chuyển trong đời, chiêm nghiệm như hai “triết gia”: “Trên thế gian này ai cũng có lúc nghĩ họ đau khổ nhất trần gian – khi không nghĩ đến người khác mà chỉ chăm chăm nghĩ về mình.”
Bên cạnh những con người, còn một nhân vật “câm” – lặng lẽ hơn cả người kể chuyện – đó là thiên nhiên. Thậm chí thiên nhiên trong cuốn tiểu thuyết được nhận định đóng vai trò chính yếu bậc nhất. “Mùa hè phương Bắc gần như không có đêm, chỉ có ánh sáng mờ ảo nhập nhoạng ngập ngừng, chầm chậm trôi qua. Nhưng trong chạng vạng vẫn ngời lên tia sáng không ngôn từ nào có thể tả nổi. Đó chính là lời thì thầm của sáng hè đang đến gần. Khi giai điệu hoàng hôn lắng lại thành nốt mềm xanh tim tím màu hoa violet, mê say dịu dàng ngân dài ngay trong quãng ngắt ngắn ngủi, là lúc violon chính bừng tỉnh và bắt vào giai điệu cao nghiêng nghiêng, để cho violon xen nhanh chóng hòa nhịp…”
Sillanpää coi tác phẩm của mình là “chuỗi thơ mang tính tự sự”, và thực đúng, cái nên thơ hòa quyện vào tính chân thực dệt thành một bức họa tuyệt mỹ về đời sống và thiên nhiên trên đất nước Phần Lan.
Tác giả
Frans Emil Sillanpää (1888 – 1964) cho đến nay là nhà văn duy nhất của Phần Lan nhận giải Nobel Văn học.
Sự nghiệp văn học của ông gồm 7 tiểu thuyết: Cuộc sống và mặt trời (1916), Sự nghèo khó thánh thiện (1919), Hiltu và Ragnar (1923), Thiếu nữ chết trẻ hay Silja (1931), Con đường người đàn ông đã đi (1932), Người trong đêm hè (1934), Tháng Tám (1941), và 10 tập truyện ngắn cùng các tác phẩm ở những thể loại văn học khác.