Sách gồm những bút ký về Tây Nguyên: thiên nhiên, con người, văn hóa và Rừng… tất cả đều độc đáo, được khắc họa rõ nét, chạm đến tầng sâu nhất. Với nhà văn Nguyên Ngọc – người đã gắn bó nửa đời với Tây Nguyên, người đã từng ăn ngủ, sống chết với dân làng – thì những gì hiện ra trên từng trang sách, chính là tái hiện lại đời sống của những tộc người Tây Nguyên, tái hiện lại đời sống của đất rừng Tây Nguyên đại ngàn mà “thâm trầm và huyền diệu”.Qua mỗi trang sách, hiển hiện trước mắt người đọc là con người và vùng đất kết dính nhau bằng men say âm thanh cồng chiêng, bằng âm hưởng đàn đá ngàn năm. Người con của núirừng bên cạnh bếp lửa, người con của núi rừng cùngđiệu múa bên ghè rượu cần… họ có nếp đối đãi chân chất, nhân văn không lẫn vào đâu được: “Không bán, nhưng mà cho”. Nhà văn Nguyên Ngọc vô cùng khéo léo “tinh chế” để giữ nguyên “linh hồn” của đời sống Tây Nguyên.
Người Tây Nguyên sống thuận theo tự nhiên, họ chọn lối canh tác “luân khoảnh” độc đáo đầy tin tưởng vào Mẹ đất.Ngược lại, thiên nhiên che chở, phục hồi và nuôi dưỡng thể xác, tâm hồn những người con của núi rừng. “Con người không bao giờ có thể thoát ra được khỏi rừng, cũng như không bao giờ có thể bứt ra khỏi vòng tuần hoàn bí ẩn muôn thuở, bứt ra khỏi cái hoang dã; luôn bị cái hoang dã ấy vây kín, cuốn hút…
Nhưng đồng thời, mặt khác, con người là người cũng chính bởi vì nó luôn có nhu cầu bứt ra khỏi cái hoang dã, bứt ra khỏi rừng, trở thành xã hội, trở thành văn hóa.
Đấy là một cuộc giằng co, sự níu kéo hai đầu vĩnh cửu, nó làm nên nội dung của cuộc sống con người”. (Rừng, đàn bà, điên loạn – đi qua miền mơ tưởng Gia Rai)
Đáng chú ý, trong lần tái bản này, những bài viết mới của tác giả như Rừng, Đàn bà, Điên loạn – Đi qua miền mơ tưởng Gia Rai, Canh rau tập tàng ở Kon Braih Yu, Cồng chiêng từ đá đến đồng,Hạnh phúc, Trở lại Mèo Vạcđưa người đọc khám phá thêm lần nữa khoảnh rừng kín lá mà tác giả còn để riêng ở một vạt ký ức chưa xa. Ngoài ra, sách còn được bổ sung thêm những hình ảnh do chính nhà văn chụp và lưu giữ bao lâu nay.
Cho đến nay, ở tuổi tám mươi chín, nhà văn Nguyên Ngọc vẫn rất tâm đắc và mong muốn được gửi đến bạn đọc nói chung, bạn đọc Tây Nguyên nói riêng những tâm tình sâu sắc, rung động nhất của cuộc đời mình. Như chính ông đã bộc bạch khi nói về Các bạn tôi ở trên ấy: “Riêng với tôi, qua cuộc đời sáng tác dài, cuối cùng tôi đã bị lôi cuốn bởi bút ký vì khả năng to lớn đến không ngờ của nó có thể trộn lẫn tất cả, hiện thực khắc nghiệt và tưởng tượng bay bổng, phi hư cấu nghiêm ngặt và thả lỏng tự do, trữ tình say đắm và chính luận chặt chẽ, cả suy tư lan man và triết luận sâu xa…” (Nguyên Ngọc – Phát biểu tại lễ nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2013 – hạng mục văn xuôi cho tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy).