Nam Hà. Ba vị chúa của hiện tại và tương lai tình cờ gặp nhau trong một chiều mưa se sắt lạnh. Họ đối mặt nhau trong oán thù, trong những nỗi niềm ai oán của cõi nhân sinh dù tuổi đời còn rất trẻ. Họ đều là những con người rất bi ai.
Cậu ta, vị chúa từ khi sinh ra đã phải mang danh ô nhục “đứa con loạn luân”; nắm giữ vận mệnh của một đất nước khi còn quá nhỏ; bị gian thần thao túng quyền hành; bất lực chứng kiến vô số người bị giết vì mình, từ hoàng thân quốc thích cho đến nạn nhân của cường quyền và chế độ cai trị hà khắc… Tất cả những điều đó đã hủy hoại cậu ta, cả thể xác lẫn tinh thần. Cậu ta chơi đùa với cái chết nhưng vẫn tha thiết sống, và trong giây phút sinh tử cận kề, vị ấu chúa yếu nhược đã chấp nhận mạng đổi mạng để truyền lại chút lửa trong mình cho người kế cận. Cậu ta là Nguyễn Phúc Thuần.
Y, Phật vương Xiêm La hùng mạnh. Vì ngai vàng quyền lực, y cũng đã đánh đổi nhiều thứ, từ người bạn thân thuở nhỏ cho đến những người thân cận bên cạnh. Vì một giấc mơ mà chấp nhận và xem tất cả mọi điều, bội phản, lật lọng, gian trá, thù địch, lừa dối, ghét bỏ, chết chóc, tàn nhẫn, thủ đoạn là chuyện tất nhiên.
Và đứa bé ấy. Mười sáu tuổi. Gánh trên vai một dòng tộc gần như tận diệt, một triều đình suy sụp, một đất nước hoang tàn cùng những rối loạn không thể dẹp yên. Mười sáu tuổi. Sinh mệnh bị giam cầm mòn mỏi trong những bức thành cao vút lóa nắng tại Vọng Các. Thế nhưng, sự nghiệt ngã của số phận, những cú va đập dữ dội của lịch sử lại chính là “lò bát quái” để hun đúc nên một kì tài nước Nam. Bởi “cậu ta là loại người càng bị đè nén càng mạnh mẽ. Càng bị dẫm đạp càng kiên cường. Cậu ta là loại người phải bị hủy diệt để rồi tái sinh”. Cậu ta là Nguyễn Phúc Ánh.
Ba con người ấy từng bên nhau trong những ngày tháng loạn lạc để rồi vận mệnh xé toạc số phận và trao cho mỗi người trọng trách của một dân tộc, của một dòng tộc trước sự vận hành cuồn cuộn của lịch sử lúc bấy giờ. Từ buổi gặp gỡ tình cờ trong chiều mưa Nam Hà, vận mệnh đã rẽ hướng và đặt gánh nặng sơn hà lên những đôi vai thiếu niên non nớt. Từ đây, họ buộc phải có trách nhiệm với vong linh những người đã mất và những người đang sống. Từ đây, họ buộc phải gieo mình vào những thế cờ kì quái của vận số. Và trong tất cả những mù quáng và gian trá, trong vòng xoay quay cuồng của chém giết và tranh đoạt, tất cả những gì còn lại là nỗi đau. Phải chăng, với họ, cái giá phải trả chính là sống – sống sau tất cả những trầm luân thống khổ của cuộc đời.