Đọc những trang viết về các món thời trân trải dài các miền quê Bắc bộ, dễ thấy tác giả là người ham “xê dịch”, mê hưởng thụ và sành ăn. Vốn là trí thức tạch tạch sè, lại học chuyên về khoa học tự nhiên, tư duy logic rành mạch, niềm đam mê đi, khám phá và hưởng thụ ẩm thực quê nhà khiến ông rất chú tâm quan sát, rồi tìm hiểu đến nơi đến chốn và khắc cốt ghi tâm, để khoanh vùng ký ức mà nhâm nhi lại khi có dịp hồi cố. Vì thế, những khốn khó miếng cơm manh áo của một thời gian khổ, trong cuốn sách của ông, như được thi vị hóa, ngả theo cái triết lý dân gian về muốn ăn thì lăn vào bếp, ăn uống hiển nhiên là một nghệ thuật, từ cao lương mỹ vị đến dân dã thời trân đều có giá trị riêng của nó, khi gói trong đó những tình cảm những ý vị của một thời quá vãng, mà ngôn từ nhiều khi không đủ duyên sắc để tải nổi tấm tình. Và ngoài những thương nhớ, những câu chuyện nhỏ trong sách, tinh tế và thú vị, kín đáo biểu lộ cho thấy cả cái tâm cái tầm của người nấu, cũng như người thưởng thức. Đó là sự nhân hậu thảo thơm, chăm chút nhún nhường, đảm đang đôn hậu của những người đàn bà đất Việt, khi mùa nào thức ấy biện bày những món ngon chắt chiu từ đất từ sông cho chồng cho con; là sự chân chất thật thà của nông dân một sương hai nắng mà hào phóng chiêu đãi bạn bè; cả sự hồn nhiên bao dung kiểu tứ hải giai huynh đệ của những chủ nhà chiêu khách lạ… Tưởng chỉ là chén tạc chén thù, xuýt xoa sự ngon sự lạ, nhưng trong đó là cả một thế giới bình yên đã mất, chỉ còn trong ký ức của những kẻ tha hương nặng lòng cố quận.
Ghi lại ký ức đó, tưởng luôn là việc nên làm. Và cuốn sách này, mỗi bài có thể xem như một bức tranh, của một người vẽ đẹp, có tình.