Tiếng kinh cầu an nhiên của bà cụ, tiếng mài dao sắc lẹm của nhà bán thịt, tiếng mở cửa xếp kèn kẹt của cửa hiệu giặt là, và sau đó là tiếng gọi nhau í ới của hai đứa nhân viên, mặc phố xá bắt đầu ồn ào thức giấc, một cô gái “ế” vẫn dắt xe chậm rãi lách mình qua con ngõ nhỏ… một Hà Nội với những âm thanh và hình ảnh bình dị như thế được Đỗ Bích Thúy “nhởn nhơ” chụp lại trong tiểu thuyết mới nhất Cửa hiệu giặt là. Ẩn trong đó là thông điệp về cái đẹp bình dị, giản đơn của cuộc sống.
Đọc Cửa hiệu giặt là, chúng ta dễ dàng chạm vào một Hà Nội rất quen, có thể nhận ra ở bất kỳ góc phố nào. Cuốn tiểu thuyết như những trang nhật ký chụp lại vài lát cắt trong cuộc sống của những người dân nơi góc phố nhỏ, nó tự nhiên diễn ra mà không chọn lựa thời điểm. Cô Viên đã quá lứa lỡ thì, 35 tuổi mà vẫn chưa lấy chồng khiến bà mẹ già không khỏi lo lắng; ba đứa nhân viên ngoại tỉnh ở tuổi mới lớn với những va đập về tình bạn, tình yêu; cô bé Trinh đầy cá tính nhưng cũng rất “sầu đời” đang mấp mé trở thành công dân Hà Nội; vợ chồng Oanh – Phương, chủ cửa hiệu giặt là tốt tính, dễ mến… Từng ấy con người cứ sống và va chạm với nhau, yêu thương, dối lừa và chia sẻ cùng nhau… Mỗi người tạo thành một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh cuộc sống Hà thành hôm nay.
Bằng những mảnh ghép cuộc đời tưởng như rời rạc đó, tác giả đã hoàn chỉnh bức tranh về một góc phố Hà Nội mà cũng là bức tiểu họa về xã hội Việt Nam thời đô thị hóa, ở đó không phân biệt tầng lớp, địa vị, tuổi tác, con người cứ sống với nhau bằng chính tâm hồn và sự yêu thương, chia sẻ của mình. Đọc những trang viết của Đỗ Bích Thúy, độc giả như được sống chậm lại để phát hiện một Hà Nội rất quen và rung động trước những cảm xúc giản dị mà chân thật.
Ai đã từng lắng nghe bản nhạc Sad Angel của Iqor Krutoi thì sẽ thấy trong Cửa hiệu giặt là một góc nhìn về cuộc đời thanh thản và đầy nhân văn như thế.