Cuộc chiến tuổi dậy thì
“Cuốn sách các bạn đang cầm trên tay có thể coi là những dòng nhỏ xinh dí dỏm và chân thật trích từ nhật kí của một bà mẹ đã và đang trải qua những giờ phút “dở khóc dở cười” với cậu con trai mới bước vào tuổi dậy thì. Nuôi dạy con ở giai đoạn nào cũng khó, nhưng tuổi dậy thì với những biến chuyển ở cả tâm và sinh lí của đứa trẻ trong một môi trường xã hội không ngừng biến động là cả một thách thức với hầu hết các bậc cha mẹ, ngay cả với những người làm công tác giáo dục.
Không tuân theo một ý đồ răn dạy hay trình bày sản phẩm, triết lí giáo dục gì, cuốn sách mang dáng vóc của những lời tự thuật, tự trào và cả tâm tình về tuổi mới lớn mà tác giả được chứng kiến và tham dự với tư cách người trong cuộc. Khởi đầu là những kí ức về sự ra đời của “chàng tí hon khổng lồ”, những trải nghiệm đầu tiên với trường lớp và những nét cá tính rất thú vị có thể bắt gặp ở những chú bé hiếu động và hoạt bát. Tiếp theo, tác giả khắc họa những trải nghiệm trong môi trường lớp học chính quy, cũng như những mảng tính cách tương phản trong cùng một đứa trẻ – khi thì cục cằn nóng nảy, lúc lại tình cảm, “ga lăng” và chững chạc đến ngạc nhiên. Điều này dự báo những gì đến trong phần sau – chân dung một cậu bé đang bước vào tuổi dậy thì, cũng là phần chính của câu chuyện.
Người đọc sẽ được cuốn vào đủ những cung bậc cảm xúc mà tác giả đã trải qua cùng cậu con trai của mình, và chắc hẳn cũng sẽ nhận ra hình dáng của chính mình trong những câu chuyện nhỏ. Song song với những “sự vụ” khiến cho “người ngoài cười ngặt, người trong khóc òa”, tác giả cũng len vào những mẹo ứng xử bình tĩnh và sáng suốt để tình thế luôn nằm trong kiểm soát, như một cách gợi ý cho những bậc cha mẹ đang cảm thấy bối rối khi đối mặt với tuổi dậy thì của con mình. Cuối cùng, khép lại cuốn sách là lời chia sẻ về những cá nhân không bao giờ vắng mặt trong quá trình trưởng thành nhân cách của cậu bé, nói cách khác, chính là cha mẹ và chị, những mô hình nhân cách bên cậu mọi lúc mọi nơi và góp phần điều chỉnh, uốn nắn hành vi của cậu theo những cách phù hợp.
Lời bình sẽ dành cho mỗi người đọc chúng ta tự cảm nhận sau khi gấp lại những dòng tâm sự của tác giả. Như đã nói ở trên, cuốn sách không nhằm cung cấp những mô hình ứng xử điển hình hay chuẩn mực trong việc giáo dục trẻ tuổi thành niên. Thậm chí đôi khi chúng ta sẽ khá ngạc nhiên trước những phản xạ hoảng hốt và bế tắc của người mẹ trong câu chuyện. Tuy nhiên, đây cũng chính là sân chơi mở để mỗi người chúng ta đều có thể suy ngẫm, bàn thảo và tìm ra hướng đi phù hợp nhất cho mình.
Các bạn không cần phải là một bậc cha mẹ “lành nghề” để hiểu những gì cuốn sách này đang nói. Chỉ mong các bạn đón nhận nó với một tâm hồn rộng mở và một nụ cười luôn nở trên môi.”
(Nguyễn Thị Phương Hoa)