“Văn bản giống như giếng thần không bao giờ cạn nước. Người độc các thế hệ đến soi mình vào gương giếng ấy không chỉ thấy màu xanh vĩnh cửu của bầu trời, mà còn cả khuôn mặt mình thay đổi theo thời gian. Nhưng văn bản không có sẵn, “gương kia treo ở trên tường”, mà cần ít nhất một bàn tay vén màn, phủi bụi của phê bình. Nhà phê bình, với tư cách là một “siêu người đọc”, bằng những cách đọc khác, sẽ làm mới những tác phẩm cũ, hoặc quen thuộc, mở thêm các không gian thẩm mỹ.Văn học trung đại Việt Nam, từ giữa thế kỷ XVIII, do ảnh hưởng của văn hóa đô thị, dù là phương Đông, trung đại, cũng đã tạo ra được một thời đại văn chương với những quan niệm, thể loại, tác giả mới. Khảo sát các nhà thơ từ Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Dương Khuê đến Tú Xương, Tản Đà cho thấy một xu hướng vận động của văn chương Việt, từ tính chất nông thôn, quan lại đến tính chất bình dân, đô thị. Chính điều này làm cho văn học Việt Nam trung đại có khả năng chuyển đổi hệ hình bước vào thời hiện đại, mở ra một thời đại khác.Trong bộ ba “Mắt thơ” của tôi, nếu Phê bình phong cách Thơ Mới là mái trước của ngôi nhà rộng – thơ, thì Hé gương cho người đọc là mái sau. Cả hai, với độ nghiêng vát lớn, tôn cao cho đỉnh nóc, Thơ như là mỹ học của cái khác. Tuy vậy, Hé gương cho người đọc vẫn có giá trị tự thân, độc lập của nó. Đây chính là lý do tôi muốn gửi đến bạn đọc.”
(Đỗ Lai Thúy)